Sau khi phá kỷ lục của Microsoft và trở thành công ty có giá trị thị trường cao nhất trong lịch sử, liệu Apple có đi vào vết xe đổ của Microsoft và dần suy yếu?
Ngày 20/08/2012, giá trị thị trường của Apple đạt 623,5 tỷ USD, vượt qua kỷ lục mà Microsoft lập được hồi năm 1999 là 620,58 tỷ USD.
Sau 13 năm, giá trị thị trường của Microsoft đã giảm quá một nửa, xuống còn 258 tỷ USD. Trong khi các chuyên gia vẫn lạc quan về tương lai của Apple, họ dự đoán sức mạnh của đế chế Apple có thể bị suy yếu bởi những kỳ vọng tăng trưởng không thực tế. Họ cũng lưu ý là ngành công nghệ có quy tắc "luôn mong đợi một người dẫn đầu mới".
Theo ông Howard Anderson, giảng viên của MIT Sloan School of Management, mọi thứ luôn thay đổi. Một ngày nào đó, sẽ có một công ty có giá trị thị trường cao hơn Apple. Ông nói: "Không có cái cây nào cao mãi tới tận trời và vấn đề là tốc độ phát triển quá nhanh của Apple trong năm ngoái không có sự bền vững. Nó không thể tiếp diễn trong thời gian dài".
Trong tương lai, ngôi thống trị của Apple có thể sẽ bị thử thách trong loại hình thiết bị mới, không nhất thiết phải là thiết bị có trải nghiệm dựa trên màn hình, mà là những thiết bị đồng bộ với xe hơi, nhà ở và thậm chí là cơ thể con người.
Giống nhiều đối thủ khác, Apple từ lâu đã để mắt tới thị trường đồ công nghệ trong phòng ở, nhưng ngoài Apple TV, Apple chưa có hành động lớn nào để chiếm lĩnh thị trường này. Phòng khách, nhà bếp cũng như phòng ngủ và thậm chí là hệ thống sưởi ấm có thể là mục tiêu chinh phục tiếp theo của các hãng công nghệ ở thung lũng Silicon.
Nhà phân tích Carl Howe của công ty tư vấn thị trường Yankee Group cho rằng, vẫn chưa thể chắc chắn với loại hình thiết bị mới này, Apple sẽ thành công hay thất bại.
Nhà phân tích Charles Golvin của Forrester đồng tình rằng Apple sẽ gặp nhiều khó khăn để đem đến cho không gian nhà ở những thiết bị có thể điều khiển mọi thứ, từ khóa cửa cho tới điều hòa nhiệt độ.
Trước mắt, sản phẩm ti vi của Apple - Nếu thực sự xuất hiện như tin đồn - Sẽ tác động rất lớn tới vận mệnh của Apple trong tương lai gần.
Nhà phân tích Golvin nói: "Tôi nghĩ nguy cơ lớn nhất đối với Apple hiện nay là họ không đáp ứng được những kỳ vọng quá lớn ở thị trường ti vi".
Trong khi một số bằng sáng chế mà Apple xin cấp phép mới đây gợi ý về kế hoạch phát triển một loại thiết bị đeo trên người, một số công ty như Google và Olympus cũng đang đầu tư cho loại thiết bị tương tự. Cụ thể, Google đang dồn sức cho Project Glass – Thiết bị kính đeo mắt kết nối Internet có thể chụp ảnh, gửi và nhận tin nhắn văn bản, chia sẻ thông tin. Project Glass dự định sẽ ra mắt vào đầu năm 2013.
Ngoài ra, Apple còn đang cạnh tranh với Google, Square, Facebook và nhiều công ty khác trong cuộc chiến ví điện tử. Đây cũng có thể là đường đua tiếp theo của các hãng công nghệ. Nhà phân tích Carl Howe giải thích rằng, ví điện tử ở đây không đơn giản chỉ là công nghệ NFC, ông muốn gợi ý tới việc Apple có thể cho phép khách hàng dùng tài khoản iTunes để thanh toán tiền khi đi mua sắm.
Kích thước khổng lồ của Apple vừa đem lại cơ hội, nhưng cũng là thách thức, vì tất cả các công ty lớn đều đối mặt với khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng. Không ít người tin rằng Apple sẽ trở thành công ty đầu tiên đạt giá trị thị trường 1 nghìn tỷ USD, nhưng chớ quên rằng ngày càng khó để Apple có thể duy trì doanh số cao như trước đây.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, những đối tác của Apple sẽ trở nên dè chừng khi "gã khổng lồ" nắm quá nhiều quyền lực. Họ sẽ ghét bỏ Apple hoặc ít nhất sẽ tìm kiếm các mối hợp tác khác để giảm sự phụ thuộc vào Apple.
Một câu hỏi khác là liệu Apple có thực hiện được lời hứa luôn cung cấp "những sản phẩm tuyệt vời nhất". Mặc dù các chuyên gia cho rằng Apple đã có sẵn ý tưởng để tung ra trong vài năm tới, đây cũng là niềm tin họ từng dành cho Microsoft khi hãng này ở đỉnh cao năm 1999.