Thế hệ mạng di động 5G mới đang bắt đầu được triển khai dần tại các quốc gia hàng đầu như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc và Châu Á - Thái Bình Dương, mang đến những lời hứa hẹn về tương lai của một tiêu chuẩn kết nối thông suốt và liền mạch giữa tất cả các tiện ích của thế giới công nghệ, từ cảm biến, hệ thống phần mềm, cho tới robot và các nền tảng IoT. Với độ tin cậy, tính ổn định cao, công suất lớn và đặc biệt là độ trễ thấp chưa từng có. 5G đang góp phần hình thành lên nền tảng của một hệ thống điều khiển tự động toàn diện, hoạt động trong môi trường rộng lớn mang tính toàn cầu quan trọng.
Theo dự báo của công ty phân tích thị trường uy tín Gartner, mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mạng 5G trên toàn thế giới có thể tăng gần gấp đôi trong năm nay để lần đầu tiên chạm mốc kỷ lục 8.1 tỷ đô la. Song hành với mức đầu tư tăng nhanh, doanh thu của cơ sở hạ tầng mạng không dây 5G trong năm 2020 dự kiến cũng đạt tăng trưởng ấn tượng, từ mức 10,4% của năm ngoái lên 21,3% tính đến hết quý 4. Tuy nhiên, tổng doanh thu của cơ sở hạ tầng không dây nói chung sẽ giảm 4,4%, xuống 38,1 tỷ đô la trong năm nay. Như vậy, 5G dự kiến sẽ vẫn phát triển bùng nổ trong 2020 bất chấp tác động tiêu cực từ dịch bệnh đến toàn bộ ngành công nghiệp kết nối không dây.
Nhận xét về những số liệu dự báo đối với kết nối 5G trong năm 2020, Kosei Takiishi, giám đốc nghiên cứu cao cấp tại Gartner, cho biết:
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng không dây tiếp tục có được động lực lớn, với thực tế là ngày càng nhiều CSP chuyển sang đầu tư các dự án 5G bằng cách ưu tiên vào hệ thống tài nguyên hiện tại bao gồm băng thông phổ vô tuyến, trạm gốc, mạng lõi (core network/transport network), và chuyển chi tiêu LTE/4G sang “chế độ” duy trì. Những doanh nghiệp đi tiên phong trong triển khai 5G từ sớm đang thúc đẩy cạnh tranh lớn hơn giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP). Ngoài ra, chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều quốc gia cũng đang tích cực khuyến khích phát triển mạng di động, cho rằng công nghệ kết nối mới này sẽ là chất xúc tác hoàn hảo đem lại cho tăng trưởng “cấp số nhân” rộng khắp trong nhiều ngành công nghiệp trọng yếu”.
Các chuyên gia phân tích thị trường Gartner tin rằng tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng 5G sẽ tăng 96% vào năm 2020 trong khi chi tiêu LTE và 4G sẽ giảm 20,8%, 3G giảm 37,1% và tương tự là 2G với mức giảm lên tới 40,8%. Trong đó, tỷ trọng đầu tư cơ sở hạ tầng 5G mạnh mẽ nhất sẽ thuộc về các CSP ở Trung Quốc (Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông), châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nhật Bản, đạt mức phủ sóng 5G đến 95% dân số quốc gia vào năm 2023. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ là quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển 5G trong thời gian tới, chiếm tới gần một nửa khoản đầu tư trên toàn cầu cho công nghệ kết nối này trong năm 2020.
Theo các nhà phân tích, chỉ riêng chuỗi giá trị di động 5G đã có thể tạo ra doanh thu lên tới 3,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2035. Nó sẽ mở đường cho sự kết hợp rộng rãi giữa các ngành công nghiệp, với động lực phát triển chính là hàng hóa và dịch vụ, và đồng thời sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP toàn cầu. Vì vậy, đặt cược vào lĩnh vực viễn thông như một tập hợp con của lĩnh vực công nghệ rộng lớn hơn, để qua đó đưa ra những phương án phát triển bền vững và hợp lý là điều mà các Chính phủ, hay những nhà hoạch định chính sách nên tính đến.