Đài Loan, một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm bán dẫn lớn nhất thế giới, vừa chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu chip xử lý sang Nga và Belarus như một động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine.
Cụ thể, Bộ Kinh tế Đài Loan (MOEA), vừa công khai danh sách tất cả các loại hàng hóa công nghệ cao sẽ bị cấm xuất khẩu sang Nga và Belarus. Đồng thời thông báo rằng các sản phẩm công nghệ cao mới cũng sẽ bị cấm nhập khẩu từ Belarus, vì điều này có thể giúp phía Nga “lách” các lệnh trừng phạt.
Lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với bất cứ bộ vi xử lý nào có xung nhịp trên 25 megahertz không được quá 32-bit, vi mạch với hơn 144 điểm tiếp xúc thời gian trễ tín hiệu không được thấp hơn 0,4 nano giây, băng thông cầu nối truyền dữ liệu không được quá 2,5 MB/s. Các công ty Đài Loan cũng sẽ không được bán cho đối tác Nga và Belarus những con chip xử lý với hiệu năng FP32 quá 5 gigaflops. Hiểu theo cách đơn giản, Nga và Belarus về cơ bản sẽ hoàn toàn không còn khả năng tiếp cận với các công nghệ, sản phẩm chip bán dẫn được phát triển và sản xuất tại Đài Loan.
Ngoài chipset hiện đại, Đài Loan cũng sẽ ngừng bán các thiết bị liên quan đến công nghệ sản xuất chip cho các quốc gia này. Nói cách khác, cả Nga và Belarus đều không thể tìm nguồn cung thiết bị để sản xuất ra những con chip của riêng mình, chẳng hạn như các thiết bị căn chỉnh và phơi sáng để sản xuất tấm wafer, máy quét và thậm chí cả kính hiển vi điện tử quét.
"Thiết bị in thạch bản thực hiện các thao tác chiếu và truyền hình ảnh, cũng như kính hiển vi điện tử quét được thiết kế để tự động kiểm tra các mẫu thiết bị bán dẫn… cũng để sẽ bị cấm”, báo cáo từ Digitimes cho hay.
Chính phủ Nga vừa thông qua gói đầu tư 38,3 tỷ USD nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa, với mục tiêu tăng sản lượng chip sản xuất trên tiến trình 90nm, và dự kiến sẽ sản xuất được chip 28nm vào năm 2030. Tuy nhiên, động thái mới đây của Đài Loan rất có thể sẽ khiến kế hoạch này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thiết bị bán dẫn hiện là ngành hàng xuất khẩu chính của Đài Loan tính theo giá trị, chiếm 32,0% tổng giá trị xuất khẩu vào năm 2021.