Ngày 30/5 vừa qua, nhà mạng EE đã khởi động mạng 5G đầu tiên tại một số thành phố lớn như London, Edinburgh, Cardiff, Belfast, Birmingham, và Manchester của Anh. Kết quả thử nghiệm tại London của The Verge cho thấy, tuỳ từng địa điểm tốc độ mạng 5G của EE đạt khoảng 200Mbps đến 980Mbps, nhanh hơn gấp khoảng 10 lần so với tốc độ của 4G.
Video trực tuyến là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất khi tốc độ Internet tăng. Không chỉ có thể xem video với chất lượng cao hơn trong khi thời gian chờ đợi buffering giảm mà còn có thể chia sẻ video trực tiếp trong thời gian thực (livestream) với độ trễ thấp.
Hãng thông tấn BBC đã lập tức thử nghiệm ứng dụng của mạng 5G trong một buổi ghi hình trực tiếp. Thông qua mạng 5, GBBC đã chuyển tín hiệu hình ảnh và âm thanh từ nơi phóng viên đang đứng đến đài truyền hình nhưng đáng tiếc là đã có sự cố xảy ra.
Buổi ghi hình và phát trực tiếp của đài BBC bằng mạng 5G.
Người dẫn chương trình Rory Cellan-Jones của đài BBC cho biết, vì lý do hết sức hy hữu thẻ SIM mà BBC sử dụng để phát sóng đã dùng hết dung lượng cho phép nên đoạn truyền hình trực tiếp phải thực hiện chậm hơn 15 phút.
Sự cố BBC gặp phải khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, khi người dùng sẽ có thể chạm ngưỡng giới hạn dung lượng chỉ trong một thời gian ngắn thì tốc độ "khủng khiếp" của 5G có ý nghĩa gì không?
Để có được 20GB dung lượng người dùng sẽ phải trả 32 bảng (gần 1 triệu đồng), với 100GB dung lượng số tiền phải trả sẽ tăng lên là 52 bảng (1.5 triệu đồng). Chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng các ứng dụng tiêu tốn tài nguyên như Youtube, lượng dung lượng đó sẽ nhanh chóng tiêu tan. Trường hợp nhà mạng EE ở trên là ví dụ rõ ràng nhất và đây chắc chắn là một vấn đề mà các nhà mạng cần giải quyết để công nghệ 5G trở nên phổ biến hơn.