Hiện nay, để kiểm tra tốc độ Internet, nhiều người thường sử dụng các công cụ như Speedtest, Fast… Vậy các công cụ này hoạt động như thế nào và kết quả đo có chính xác không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.
Trên thực tế, tốc độ tải xuống (download) và tải lên (upload) bị giới hạn ở một mức nhất định tùy theo nhà cung cấp dịch vụ và gói cước bạn đăng ký. Nếu sử dụng gói cước 30 Mbps mà kết quả sau khi đo dao động ở 28 Mbps, mạng của bạn hoàn toàn ổn định. Nhưng nếu kết quả sau khi kiểm tra nhiều lần tại nhiều thời điểm khác nhau chỉ quanh khoảng 10 Mbps, hãy liên hệ nhà cung cấp để được hỗ trợ.
3 thông tin mà các công cụ đo tốc độ Internet sẽ kiểm tra bao gồm: ping, tốc độ tải lên và tải xuống. Trong đó, 2 thông tin sau quan trọng nhất và luôn được nhà cung cấp công khai quảng cáo. Thông thường tốc độ tải xuống sẽ nhanh hơn tốc độ tải lên.
Cách hoạt động của công cụ đo tốc độ Internet
Việc đầu tiên công cụ đo tốc độ Internet thực hiện là tìm kiếm máy chủ thử nghiệm gần vị trí của bạn nhất. Sau đó nó sẽ gửi tín hiệu (ping) đến máy chủ rồi chờ phản hồi, thường là sau vài mili giây.
Sau đó, công cụ sẽ mở nhiều kết nối đến máy chủ rồi tải một lượng dữ liệu nhỏ để đo tốc độ tải xuống. Lúc này, có 2 thông tin được ghi nhận là thời gian lấy dữ liệu và tài nguyên mạng sử dụng là bao nhiêu.
Nếu Internet của bạn có băng thông lớn (tài nguyên nhiều), công cụ sẽ mở nhiều kết nối hơn nhằm tải nhiều dữ liệu hơn với mục đích kiểm tra xem khi sử dụng hết tài nguyên Internet thì có thể tải về bao nhiêu dữ liệu cùng một lúc.
Khi tải thêm lượng dữ liệu lớn hơn, công cụ sẽ đo lượng dữ liệu tải về trong một thời gian nhất định rồi dựa vào đó để tính ra tốc độ tải xuống.
Quá trình đo tốc độ tải lên cũng diễn ra tương tự như trên nhưng công cụ sẽ tải dữ liệu từ máy tính lên máy chủ thay vì tải từ máy chủ về máy tính.
Công cụ đo tốc độ Internet có chính xác không?
Trên thực tế, kết quả đo tốc độ Internet có chính xác hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không hề đơn giản như cách đo ở trên.
Đầu tiên là vị trí của máy chủ. Nếu máy chủ nằm trong cùng thành phố mà bạn ở thì dữ liệu sẽ không phải truyền đi xa và sẽ mang lại hiệu quả tối ưu. Đây là lý do mà nhiều doanh nghiệp thường chọn nhiều khu vực khác nhau để đặt máy chủ của họ để người dùng dịch vụ của họ tại khu vực đó có được trải nghiệm sử dụng tốt nhất.
Tuy nhiên, hiện nay có không ít website có máy chủ đặt ở rất xa, thậm chí là ở quốc gia khác. Vì vậy, khi đo tốc độ Internet bằng Speedtest có kết quả khá cao nhưng khi sử dụng thì tốc độ chậm hơn nhiều do máy chủ nằm quá xa.
Nếu bạn vừa sử dụng mạng vừa thực hiện kiểm tra đo tốc độ thì kết quả sẽ không chính xác. Cụ thể, kết quả kiểm tra khi bạn không xem gì, không tải gì cả sẽ nhanh hơn so với khi bạn vừa kiểm tra vừa xem Netflix hay tải file nặng.
Kết quả kiểm tra còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện thực hiện. Kết quả có thể khác nhau nếu sử dụng các thiết bị khác nhau, dù kết nối vào cùng một mạng. Smartphone, tablet sử dụng Wi-Fi thường sẽ cho kết quả chậm hơn so với máy tính sử dụng mạng dây.
Để có kết quả kiểm tra tốc độ đạt chính xác cao, bạn hãy thực hiện kiểm tra trong điều kiện lý tưởng nhất: chọn máy chủ gần nhất, sử dụng máy tính kết nối mạng dây, không làm tác vụ gì trong lúc kiểm tra cả. Tất nhiên, dù điều kiện kiểm tra lý tưởng đến đâu, kết quả cũng không thể chính xác 100% được. Vì vậy, bạn hãy xem đấy là công cụ tham khảo thôi nhé.