Trong những năm qua, công nghệ lưu trữ máy tính đã cải tiến rất nhiều từ đĩa cứng cho tới những con chip với ngăn xếp 3D. Nhưng công nghệ lưu trữ thế hệ tiếp theo có thể sẽ có tuổi đời ngang ngửa với sự sống trên Trái Đất nhờ sử dụng một phương thức "mới": DNA.
Hôm thứ 6 vừa qua, startup Catalog có trụ sở tại Boston, đã công bố nén thành công 16GB dữ liệu văn bản Wikipedia phiên bản tiếng Anh vào các phân tử di truyền, giống như những phân tử tồn tại bên trong cơ thể của con người bằng cách tạo ra một cỗ máy ghi DNA có thể bỏ vừa trong một căn nhà đã dẹp bớt đồ đạc.
Catalog cũng cho biết, ngay từ bây giờ một số khách hàng cần lưu trữ dữ liệu đặc biệt có thể tận hưởng cỗ máy của hãng.
Chuỗi DNA rất nhỏ và khó kiểm soát nhưng lại có thể lưu trữ nhiều loại dữ liệu khác nhau. Catalog đã kết hợp một lượng khá lớn những chuỗi DNA tổng hợp được chế tạo sẵn, ngắn hơn DNA con người, để lưu trữ được nhiều dữ liệu hơn.
Ưu điểm của DNA so với các linh kiện công nghệ cao thu nhỏ mới nhất là nhỏ gọn, ổn định về mặt hóa học và vì nó là nền tảng của sinh học trên Trái Đất nên chắc chắn sẽ không lỗi thời như các đĩa xoay từ tính của ổ cứng hay CD, những thứ đang dần biến mất.
Hiện tại, Catalog mới chỉ công bố một đối tác, đó là tổ chức Arch Mission Foundation, đơn vị vốn đang tìm cách lưu trữ kiến thức con người không chỉ trên Trái Đất mà thậm chí là cả trong hệ Mặt Trời. Các thông tin về khách hàng khác cũng như việc liệu họ có thu phí cho dịch vụ ghi DNA hay không vẫn chưa được tiết lộ.
Cỗ máy ghi DNA của Catalog có thể ghi dữ liệu vào DNA với tốc độ 4 megabits trên giây, tốc độ này có thể tăng gấp 3 lần, tức 125 gigabytes trong một ngày nếu được tối ưu. Tốc độ này ngang ngửa dung lượng lưu trữ của các điện thoại cao cấp hiện nay.
Catalog được thành lập bởi hai sinh viên tốt nghiệp MIT, giám đốc cải tiến công nghệ Nathaniel Roquet và CEO Hyunjun Park vào năm 2016.