Với nhiều dự án khởi nghiệp, việc giành sự quan tâm của Google là một trong những mục tiêu quan trọng. Nhưng trường hợp của Cyanogen là một ngoại lệ.
Theo tờ The Information, Kirt McMaster - CEO của Cyanogen, nói với các cổ đông rằng họ vừa từ chối sự quan tâm của Sundar Pichai, Phó chủ tịch cao cấp mảng Android của Google trong việc mua lại công ty khởi nghiệp này, họ chọn lựa con đường tiếp tục phát triển công ty để đạt tới mức định giá tầm 1 tỷ USD thay vì bán mình cho Google.
Cơ sở cho lựa chọn của công ty, và có lẽ cũng là điều mà Google quan tâm, chính là hướng tới mục tiêu dài hạn: Trở thành hệ sinh thái di động phổ biến thứ ba thế giới, xếp sau iOS và Android. Cũng phải thừa nhận một thực tế là hệ điều hành di động tùy biến này về bản chất là một phiên bản "mở" của Android, với nhiều tùy biến và tối ưu hơn, do vậy không có gì ngạc nhiên khi nó thu hút sự chú ý của gã khổng lồ Google.
Dù vậy, việc bỏ qua sự quan tâm lớn của Google là một bước đi khá táo bạo, đặc biệt là trong tình thế hiện tại, khi mà Cyanogen hiện vẫn đang tìm kiếm thêm kinh phí đầu tư so với con số 30 triệu USD mà hãng nhận được vào năm ngoái. Để có sự tự tin có phần mạo hiểm đó, một phần do các nhà đầu tư vào Cyanogen tin tưởng vào hợp đồng mới ký kết với Micromax để phát triển các điện thoại dựa trên nền tảng Cyanogen, kết hợp với dư âm trong việc hợp tác với OnePlus (Trung Quốc) để đưa thêm "gia vị" vào nền tảng Android trên chiếc smartphone OnePlus One. Vẫn còn quá sớm để khẳng định Cyanogen sẽ thành công dài hạn, nhưng công ty này chắc chắn vẫn nằm trong tầm ngắm của Google, một miếng mồi mà họ thực sự thèm muốn.