GPTZero sẽ kết hợp với Peerceptiv để tạo ra một công cụ giúp phát hiện việc sử dụng AI tổng quát trong các bài luận, bài viết học thuật nói chung. GPTZero vốn được phát triển ngay sau khi ra mắt ChatGPT, và hiện sẽ được Peerceptiv tích hợp để phát hiện việc sử dụng AI trong các bài viết của học sinh, sinh viết tại các cơ sở giáo dục.
Khi được triển khai, công cụ này sẽ hiển thị cho giáo viên chấm bài một xác suất cho biết khả năng bài viết này được viết bởi trí tuệ nhân tạo hay con người. Đồng thời, sinh viên cũng sẽ được cảnh báo nếu bài viết của họ có xác suất cao, để có thể thực hiện các chỉnh sửa cần thiết trước khi nộp bài. Peerceptiv đang có kế áp dụng thử nghiệm hệ thống này trong học kỳ mùa xuân và mùa hè tại một số cơ sở giáo dục sau phổ thông ở Hoa Kỳ. Các cơ sở muốn tham gia sẽ cần gửi email tới địa chỉ info@peerceptiv.com để xác nhận đăng ký.
Trước sự phát triển và phổ biến của các mô hình AI hỗ trợ tạo nội dung như ChatGPT, mối lo về viễn cảnh con người lạm dụng máy móc để gian lận trong lĩnh vực học thuật ngày càng hiện hữu hơn bao giờ hết. Do đó, việc sử dụng chính các công cụ AI giúp phát hiện nội dung được khởi tạo bằng AI có thể là một phương án “lấy độc trị độc” khả dĩ, đặc biệt là khi khả năng sáng tạo nội dung của AI sẽ được cải thiện đáng kể theo thời gian, dẫn đến việc chúng có thể cho ra những đoạn văn bản hệt như được viết bởi con người, cả về nội dung cũng như ngữ pháp.
Mặc dù công nghệ mới của Peerceptiv được kỳ vọng có thể giúp giáo viên xác định gian lận và khuyến khích sinh viên suy nghĩ lại về trước khi thực hiện hành vi gian, nhưng không có gì là chuẩn xác 100#. Đội ngũ GPTZero cảnh báo AI đang thay đổi liên tục và do đó GPTZero không nên được sử dụng như một công cụ chuyên biệt để bắt lỗi học sinh. Thay vào đó, đề xuất của công cụ chỉ nên được sử dụng mang tính tham khảo trong từng trường hợp cụ thể.