Larry Page nắm quyền CEO của Google, khi rất nhiều vấn đề cấp thiết trước mắt phải giải quyết nhanh chóng, thị trường đang chuyển mình phức tạp và đối thủ cạnh tranh trên mọi lĩnh vực xuất hiện ngày càng nhiều.
Tóm tắt:
- 4/4/2011, Larry Page đảm nhận CEO thay cho Eric Schmidt, tiến hành cải tổ đội ngũ lãnh đạo, thay đổi chiến lược phát triển của công ty, tạo đột phá mạnh mẽ.
- Larry Page được sự ủng hộ từ đội ngũ nhân viên, luôn tiếp thu nghiêm túc những ý kiến chỉ trích hoặc phê bình.
- Khó khăn: vi phạm luật chống độc quyền, bị giám sát dài hạn và phải chi hơn nửa tỉ USD đóng phạt vụ quảng cáo chất gây nghiện trên Google Adwords.
- Dấu ấn: Tháng 4/2011, được thông qua hợp đồng mua lại hãng phần mềm ITA, mạng xã hội Google+ ra đời và đạt tốc độ phát triển thần tốc.
Vào ngày 4/4/2011, người đồng sáng lập hãng tìm kiếm Google là Larry Page đã chính thức quay lại đảm nhận chiếc ghế giám đốc điều hành, thay cho Eric Schmidt sau 10 năm tại vị. Khi nhậm chức, Page đưa ra tuyên bố sẽ tiến hành cải tổ đội ngũ lãnh đạo cũng như thay đổi chiến lược phát triển của công ty, nhằm giúp Google tạo nên một bước đột phá mạnh mẽ trên thị trường. Thế nhưng, mọi việc có vẻ đã không diễn ra “xuôi chèo mát mái” như mong đợi từ vị thủ lĩnh tuy mới mà cũ này.
Thật vậy, sau sự chuyển giao quyền lực nói trên, Google đang phải đối mặt với hàng loạt thử thách khó khăn, bắt đầu bằng việc giá cổ phiếu của họ sụt giảm đến 9.1%. Tiếp theo đó là vụ Ủy ban thương mại liên bang Mỹ cáo buộc Google vi phạm một số điều lệ trong luật chống độc quyền, dẫn đến một cuộc giám sát dài hạn được thông qua đối với tất cả hoạt động kinh doanh của công ty.
Một vấn đề khác nữa làm cho Larry Page phải đau đầu không kém cũng liên quan đến luật pháp, khi mà vào 2 tuần trước, một loại chất gây nghiện bị cấm tại Mỹ được phát hiện trên mục quảng cáo Google Adwords , khiến hãng này phải móc hơn nửa tỉ USD đóng phạt nhằm tránh việc mở rộng điều tra. Ban lãnh đạo Google từ chối bình luận, nhưng nhiều người cho rằng Page từ lâu đã nhận thức được vấn đề nhưng lại không ra tay ngăn chặn.
Ngoài ra, hãng tìm kiếm khổng lồ còn phải hứng chịu không ít thất bại thời gian qua, như việc họ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với các hãng thu âm cho dịch vụ Google Music, gây thất vọng lớn về phía người dùng; hay việc hàng trăm tài khoản Gmail bị hacker Trung Quốc tấn công hồi tháng 6 và việc làm mất hàng ngàn bằng sáng chế vào tay đối thủ cạnh tranh là Apple và Microsoft trong thương vụ đấu thầu Nortel.
Do đó, theo các viên làm việc chung với Page cho biết, hiện anh đang rất cố gắng tìm cách giải quyểt tối ưu nhất để đưa Google thoát khỏi những biến cố nêu trên. “Larry luôn ý thức và quan tâm tới mọi thứ đang diễn ra cả bên trong lẫn bên ngoài công ty”, Sundar Pichai – trưởng bộ phận phát triển trình duyệt Google Crome và hệ điều hành - chia sẻ, “Và khi tất cả đã ở trong đầu, anh sẽ nổ lực giải quyết vấn đề bằng một tinh thần tập trung cao độ”.
Tất nhiên, nếu xét mặt tích cực, không thể phủ nhận Larry Page đã có những đóng góp không nhỏ dưới cương vị tân thủ lĩnh cho khá nhiều thành công gần đây. Đơn cử như tháng 4 vừa rồi, chính phủ Mỹ đã thông qua hợp đồng mua lại hãng phần mềm ITA từ Google, giúp họ hoàn thiện hơn dịch vụ tìm kiếm dành cho nhu cầu du lịch của mình. Đặc biệt, mạng xã hội Google+ ra đời và đạt tốc độ phát triển thần tốc, cũng có dấu ấn của Page trong đó...
Xét trong nội bộ công ty, Page là người luôn có được sự ủng hộ rất đông đảo từ đội ngũ nhân viên. Kế hoạch tổ chức lại các bộ phận làm việc, phân chia chúng theo từng nhiệm vụ ưu tiên của Page ngay sau khi nhậm chức thu được phần lớn ý kiến đồng thuận. Page yêu thích sáng tạo lẫn tư duy đổi mới, anh trọng dụng và tưởng thưởng xứng đáng cho những ai có ý tưởng mới mang tính khả thi, ví dụ như mạng xã hội Google + nói trên; ngược lại, các dự án trì trệ, những tính năng cũ kỹ, Page sẵn sàng loại bỏ.
Chính anh đã yêu cầu phải thay đổi giao diện một số dịch vụ Google bao gồm chức năng tìm kiếm và thư điện tử Gmail, giúp cho người dùng dễ dàng sử dụng hơn trước. Với nhân viên cấp dưới, Page xây dựng hình tượng lãnh đạo của mình như một người bạn ngang hàng của họ, anh thường giao tiếp, trò chuyện thoải mái, vui vẻ trong những cuộc họp nội bộ, hoặc cùng tham gia nhiệt tình những bữa tiệc mừng khi công ty đạt được thắng lợi nào đó.
Như một số nhà phân tích nhận xét, Larry Page là kiểu người luôn tiếp thu nghiêm túc những ý kiến chỉ trích hoặc phê bình. Trong một cuộc tiếp xúc qua điện thoại với các khách mời đến từ Wall Street vào tháng 4, Page bị họ phàn nàn khi chỉ đưa ra một số nhận định chung chung, không chịu bàn đến chiến lược phát triển và lãng tránh nhiều câu hỏi của họ về khả năng tăng trưởng của Google. Thì vào 3 tháng sau, trong một cuộc tiếp xúc tương tự, anh đã trình bày một cách hết sức cặn kẽ những dự định cũng như đường lối, chiến lược của hãng cho những nhà phân tích phố Wall nói trên.
Khi đó, vị CEO nhấn mạnh với họ rằng Google hiện vẫn đang “ăn nên làm ra” từ trình duyệt Web Chrome, dịch vụ chia sẽ video YouTube, và hệ điều hành di động Android với hơn 135 triệu đơn vị sản phẩm đã được bán ra thị trường. Song theo Page thì hãng này chỉ mới đạt mức “1% so với tiềm năng phát triển của mình”, và “đó là lí do tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa công ty lên một tầm cao mới”.
Vậy liệu Larry Page có thực hiện được những lời hứa hẹn hay không thì chẳng ai có thể dự đoán chính xác. Chỉ biết một điều là, cả anh lẫn đội ngũ cán bộ dưới quyền sẽ còn rất nhiều vấn đề cấp thiết trước mắt cần phải giải quyết nhanh chóng. Khi mà thị trường hiện tại đang có những bước chuyển mình hết sức phức tạp, đối thủ cạnh tranh trên mọi lĩnh vực xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn, thúc đẩy Google nói chung và Page nói riêng quyết định chi 12,5 tỉ USD mua lại mảng di động Motorola, thương vụ mua bán lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử hình thành của hãng.