Cục Viễn thông vừa gửi công văn tới các doanh nghiệp viễn thông yêu cầu các nhà mạng thực hiện một số giải pháp mạnh tay để xử lý tình trạng cuộc gọi rác. Một trong số đó là cắt liên lạc thuê bao phát tán cuộc gọi rác, bị khóa chiều gọi đi (nội mạng) và chiều gọi đến (liên mạng), để tránh quấy rối khách hàng.
Cục Viễn thông và các nhà mạng đã đưa ra 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi rác gồm:
- Tần suất thực hiện cuộc gọi.
- Tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn.
- Tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn.
- Tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ.
- Đặc điểm hành vi sử dụng.
Cùng với đó, các nhà mạng cũng sẽ ghi nhận phản hồi của khách hàng nghi ngờ nhận được cuộc gọi rác.
Theo Cục Viễn thông, Viettel đã triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi rác từ ngày 1/7 vừa qua. Hai nhà mạng khác là Mobifone và Vinaphone sẽ triển khai trước ngày 1/8 tới.
Theo đại diện Viettel Telecom, nhà mạng này đã nhắn tin cảnh báo đến 71 triệu thuê bao, đăng thông báo trên website, fanpage. Hàng trăm nghìn cuộc gọi từ quốc tế về có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo đã bị đơn vị này chặn lọc.
Trước ngày 1/10, các nhà mạng còn lại gồm Vietnamobile, CMC, SPT, Indochina Telecom, Hanoi Telecom và Viễn thông FPT cũng sẽ triển khai giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác.
Theo cục Viễn thông, có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với nhà mạng không ngăn chặn cuộc gọi rác.
Thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông, riêng tháng 3-2020 hệ thống đã phát hiện ra khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác, phát sinh từ hơn 26.700 số điện thoại, khiến khoảng 18 triệu khách hàng bị ảnh hưởng. Các cuộc gọi này chủ yếu nhằm mục đích quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ như làm đẹp, nhà đất, bảo hiểm, tài chính...