Thống kê vừa được VNCERT công bố hồi đầu tháng 6/2011 có khoảng 250 website DN và Chính phủ trở thành “nạn nhân” của hacker, trong đó có 45 cổng/trang TTĐT của cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, con số Bkav đưa ra lại cao hơn rất nhiều. Theo đó, trong tháng 6/2011, đã có hơn 450 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker nước ngoài tấn công, trong đó có 68 tên miền gov.vn. Đa số trường hợp bị tấn công theo phương thức xâm nhập và thay đổi giao diện, nội dung (defaced). Nhưng vẫn có không ít trường hợp bị tấn công từ chối dịch vụ (DoS) với mức độ nguy hiểm và phức tạp hơn rất nhiều.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia an ninh mạng Bkav, hầu hết các cuộc tấn công trong thời gian qua đều xuất phát từ những lỗi hết sức đơn giản, hacker không cần trình độ cũng có thể thực hiện việc xâm nhập. Phương thức được chúng sử dụng chủ yếu vẫn là dựa vào các lỗi cơ bản như SQL Injection, hệ thống không cập nhật bản vá hay mật khẩu quản trị yếu. Sở dĩ, để xảy ra những lỗi đơn giản như vậy là do hầu hết website của các cơ quan chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp đều không được đánh giá độc lập về mức độ an ninh trước khi đưa vào vận hành. Hạ tầng mạng và nền tảng ứng dụng của các website này không được thiết kế tổng thể với các giải pháp đảm bảo an ninh.
Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, ông Ngô Quang Huy, đại diện VNCERT (Bộ TT&TT) cho biết, sau một thời gian dài "bỏ ngỏ" việc bảo mật an toàn thông tin, đến nay, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp đã bắt đầu có sự chú trọng hơn cho công tác an toàn thông tin, thể hiện qua việc có nhiều hơn các dự án mua sắm trang thiết bị bảo mật.
Cùng quan điểm với ông Huy, theo ông Triệu Trần Đức, Giám đốc Công ty CMC Infosec, cho dù các đơn vị đã nâng cao hơn về cơ sở hạ tầng an toàn thông tin nhưng thế vẫn chưa đủ vì phần lớn các hacker tấn công chủ yếu vào tầng ứng dụng của hệ thống. Do đó, một số đơn vị như Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Hải quan... đã bước đầu có sự đầu tư về dịch vụ bảo mật, "đóng vai hacker tấn công vào hệ thống để sửa lỗi". Đây là một sự thay đổi hoàn toàn và lớn nhất so với thời gian trước vì cuộc chiến chống hacker là cuộc chiến giữa người với người do hacker luôn thay đổi phương thức tấn công.
"Thiết bị dù có đắt tiền đến mấy cũng chỉ chống lại được cao nhất khoảng 95% các cuộc tấn công và vẫn còn 5% lỗ hổng để hacker khai thác", ông Đức nhận định.
Nguyên nhân của sự thay đổi này, một phần là do số lượng các cuộc tấn công có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây nhưng chủ yếu bởi vì Chính phủ liên tục có các thông tư, chỉ đạo, hướng dẫn về an toàn thông tin nên các cơ quan, doanh nghiệp đã có sự thay đổi về nhận thức đối với lĩnh vực bảo mật.