Từ trước đến nay, Apple thường bị chỉ trích vì áp dụng cách quản lý có phần “độc đoán” đối với hệ sinh thái phần mềm rộng lớn mà họ đang nắm giữ. Về cơ bản, Apple có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với việc những phần mềm nào người dùng có thể được sử dụng trên macOS cũng như iOS và ngược lại. Cách làm này đã không ít lần gây ra những tranh cãi xung quanh vấn đề chống độc quyền trong thế giới công nghệ,
Tuy nhiên, với việc Đạo luật thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Act) của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 11 vừa qua, Táo Khuyết nhiều khả năng sẽ buộc phải nới lỏng sự kiểm soát của mình đối với App Store, nếu không muốn vướng phải những rắc rối về mặt pháp lý, ít nhất là tại khu vực châu Âu.
Theo báo cáo từ Bloomberg, Apple sẽ tuân thủ quy định từ EU thông qua việc cho phép sự hiện diện của các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba, cũng như cài đặt ứng dụng bên thứ ba trên iOS. Tuy nhiên, các nhà phát triển ứng dụng nhiều khả năng sẽ vẫn phải chấp nhận khoản phí 30% mà Apple hiện đang áp đặt - vốn cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Đơn giản bởi Apple vẫn có kế hoạch tính phí ngay cả với hoạt động sideload trong iOS. Dù sao thì đứng trên phương diện người dùng, các thiết bị và dịch vụ của Apple sẽ trở nên cởi mở hơn nhiều so với hiện tại.
Nhiều người đặt vấn đề rằng việc sideload ứng dụng bên thứ ba liệu có thể gây tác động tiêu cực đến tính bảo mật chung của iOS và macOS. Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, người dùng có thể an tâm bởi Apple vẫn đang xem xét thực hiện các yêu cầu bảo mật như xác minh danh tính. Điều này cũng giống như cách Táo Khuyết đảm bảo an toàn trong khi vẫn cấp cho người dùng quyền truy cập vào các ứng dụng bên ngoài Mac App Store.
Không chỉ xem xét cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba xuất hiện trên iOS, Apple còn cung cấp quyền truy cập sâu hơn vào hệ điều hành. Điều này sẽ dẫn đến việc các nhà phát triển bên thứ ba có quyền truy cập sâu hơn vào những khía cạnh cốt lõi mang tính hệ thống. Công ty Cupertino cũng sẽ dỡ bỏ một số hạn chế đối với NFC, qua đó cho phép những sự lựa chọn thay thế Apple Pay ra mắt trên iOS App Store. Thay đổi dự kiến cũng sẽ đến với các công cụ duyệt web và các khu vực khác trong phần mềm của Apple để tuân thủ luật pháp EU.
Năm ngoái, Microsoft cũng đã thực hiện kế hoạch thay đổi chính sách tương tự, cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba hoạt động trên Windows 11. Nhưng lý do đằng sau động thái đó khác với Apple, vốn chủ yếu hướng đến việc nới lỏng một số quy tắc trên App Store. Điều đáng nói nữa là Microsoft cho phép các nhà phát triển sử dụng cơ chế thanh toán của bên thứ ba mà không phải trả phí cho Microsoft.