Việc các công ty công nghệ phải chịu những khoản tiền phạt khổng lồ vì xâm phạm trái phép đến dữ liệu cá nhân cũng như quyền riêng tư của người dùng vốn không phải là điều gì quá xa lạ trong thời đại bùng nổ internet như hiện nay. Đặc biệt, dường như các công ty công nghệ có quy mô càng lớn thì mức độ vi phạm cũng càng nghiêm trọng, dẫn đến mức tiền phạt có xu hướng lớn hơn.
Apple vừa chính thức nhận "trát phạt" từ Cơ quan Giám sát Cạnh tranh của Ý do cáo buộc sử dụng dữ liệu người dùng cho mục đích thương mại mà không được sự đồng ý - vi phạm Bộ luật Tiêu dùng của Ý. Nếu kháng cáo bất thành, số tiền mà gã khổng lồ Cupertino phải nộp cho nhà chức trách sở tại có thể lên tới 10 triệu Euro (tương đương 11 triệu đô la) - một con số không hề nhỏ.
Cơ quan hành pháp Italia cáo buộc Apple đã có hành vi trực tiếp khai thác, trục lợi về mặt kinh doanh đối với dữ liệu người dùng mà công ty thu thập được từ các nền tảng phần mềm của mình. Những dữ liệu này đã được Apple lợi dụng để “kích cầu doanh số bán sản phẩm của mình và/hoặc của bên thứ ba thông qua các nền tảng thương mại (App Store, iTunes Store và Apple Books)”.
Ngoài ra, cáo buộc cũng cho biết Apple đã hoàn toàn không thể cung cấp được cho người dùng thông tin thích hợp về việc dữ liệu của họ đang được sử dụng cho mục đích thương mại. Thậm chí Táo Khuyết còn không cung cấp cho khách hàng tùy chọn từ chối cấp phép sử dụng dữ liệu của mình. Nói theo cách dễ hiểu: Apple đã lén lút trục lợi trái phép từ dữ liệu cá nhân của người dùng, mà hoàn toàn không nhận được sự đồng ý.
Chính sách bảo mật của Apple quy định rằng công ty sẽ chỉ sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng để phục vụ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình, tuân thủ luật pháp địa phương, ngăn chặn gian lận và cho các mục tiêu truyền thông. Dữ liệu cá nhân chỉ có thể được sử dụng cho các mục đích khác khi có sự đồng ý của người dùng.
Như vậy nếu cáo buộc từ Cơ quan Giám sát Cạnh tranh Italia là đúng, Apple không những vi phạm pháp luật sở tại, mà còn trực tiếp “giẫm chân” lên chính sách bảo mật mà mình để ra. Phía Apple tất nhiên sẽ còn thời gian kháng cáo, nhưng kết quả từ nhiều vụ việc tương tự trong quá khứ cho thấy rằng nộp phạt thường là phương án sau cùng của các công ty bị cáo buộc vi phạm.