Một số cuộc tấn công mạng thời gian gần đây nhắm vào các hệ thống máy tính, báo điện tử có điểm yếu do sử dụng các phần mềm bất hợp pháp...
25% máy chủ sử dụng hệ điều hành không có bản quyền
Khi nói đền tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm, người ta thường chỉ nghĩ tới 82% số người dùng máy tính cá nhân đang sử dụng phần mềm lậu (theo số liệu của BSA năm 2010). Tuy nhiên, một số lượng không nhỏ các máy chủ (server) hiện đang hoạt động tại Việt Nam cũng đang sử dụng phần phềm bất hợp pháp.
Ông Đỗ Huy Hoàng, Phụ trách các sản phẩm dành cho server - Công ty Microsoft Việt Nam, cho biết: Theo số liệu khảo sát năm 2010 của IDC, có đến 25% máy chủ tại Việt Nam hiện đang sử dụng hệ điều hành Windows Server không có bản quyền. Việc sử dụng phần mềm lậu cho các máy chủ không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ về mất mát dữ liệu mà còn vi phạm pháp luật.
Theo ông Hoàng, mặc dù tỷ lệ vi phạm bản quyền đối với hệ điều hành máy chủ tuy không cao như thị trường máy tính cá nhân nhưng hậu quả có nó lại rất lớn. Nếu như đối với máy tính cá nhân, việc thiếu các bản vá, tồn tại các lỗ hổng bảo mật cũng như các “back door” (cửa sau) để tin tặc khai thác, tấn công thì phạm vi ảnh hưởng và hậu quả chỉ giới hạn ở một cá nhân hoặc trong phạm vi công ty. Ngược lại, với những hệ điều hành máy chủ lậu với nhiều lỗ hổng bảo mật sẽ là mồi ngon cho tin tặc đánh sập cả một hệ thống, thậm chí các cơ sở dữ liệu của công ty và thông tin khách hàng cũng có thể bị rò rỉ.
Đồng quan điển này, ông Dư Ngọc Thiện, Chuyên gia tư vấn hệ thống máy chủ System X, Công ty IBM Việt Nam chia sẻ: Hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp đã mua các sản phẩm máy chủ, trong đó có cả những máy chủ System X của IBM, nhưng họ sử dụng phần mềm không có bản quyền. Việc sử dụng phần mềm máy chủ không có bản quyền khiến doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều rủi ro bất cứ lúc nào. Mặt khác, khi họ gặp sự cố sẽ không có sự hỗ trợ cần thiết từ các nhà cung cấp sản phẩm phần cứng và phần mềm. Mặt khác, cơ quan pháp luật có thể can thiệp đối với hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và sẽ để lại những khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh. Ở góc độ nhà sản xuất phần mềm, họ cũng bị thất thoát nguồn thu do không bán được sản phẩm.
Không nên “đánh bạc” với dữ liệu
Là người có nhiều kinh nghiệm về hệ thống máy chủ, ông Thiện khuyến cáo các doanh nghiệp không nên sử dụng các phần mềm bất hợp pháp trên máy chủ vì chúng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, từ các vấn đề kỹ thuật cho đến kinh doanh như mất dữ liệu hay ngưng trệ các giao dịch. Việc sử dụng các phần mềm lậu cho máy chủ chẳng khác nào doanh nghiệp đang tự “đánh bạc” với dữ liệu của mình.
Ông Thiện cho biết, IBM và Microsoft đã hợp tác để mang tới cho khách hàng một giải pháp mới khi chọn mua các máy chủ thuộc dòng System X: đó là bộ ROK (Reseller Option Kit) dành cho Microsoft Windows Server 2008 và Microsoft Windows Small Business Server (SBS) 2008. Khi khách hàng mua máy chủ IBM với lựa chọn ROK, họ được sử dụng phần mềm hệ điều hành Windows Server với chi phí thấp hơn mua mua giấy phép mở (onpen license) của Microsoft ít nhất là 10%. Mặt khác, ROK là sản phẩm được Microsoft thiết kế sẵn cho các dòng máy chủ System X nên việc cài đặt rất nhanh chóng, ít khi xảy ra lỗi do sự tương thích tuyệt đối giữa phần cứng và phần mềm.
Ông Đỗ Huy Hoàng cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 18.000 máy chủ được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Trong đó 14% là các máy tính thay thế cho những sever cũ. Các máy chủ sử dụng hệ điều hành Windows Server chiếm 85%, trong đó 38% mua giấy phép mở, chỉ có 5% khách hàng mua máy chủ có mua kèm hệ điều hành. Như vậy phần lớn khách hàng sau khi mua và lắp đặt xong hệ thống máy chủ tại doanh nghiệp mới liên lạc với Microsoft để mua phần mềm. Với sản phẩm ROK, Microsoft hy vọng sẽ góp phần hạn chế nạn vi phạm bản quyền phần mềm máy chủ, đồng thời tạo cơ hội cho các công ty tích hợp hệ thống bán sản phẩm phần cứng cùng với phần mềm.