Nhật Bản giới thiệu robot trợ lý phục vụ Thế vận hội 2020

Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ tại Thế vận hội (Olympic) London 2012, nước chủ nhà đã “đưa vào biên chế” một đội ngũ những tình nguyện viên để giúp đỡ các đoàn thể thao và cổ động viên, phóng viên báo chí trong trong suốt thời gian sự kiện diễn ra. Đội quân tình nguyện này cũng sẽ góp mặt lại Olympic Tokyo diễn ra vào năm sau tại đất nước mặt trời mọc, nhưng thay vì hoạt động bằng “cơm và thức ăn”, chúng sẽ hoàn toàn chạy bằng điện, đó chính là những chú robot trợ lý thông minh làm nhiệm vụ tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Mới đây, ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã cho ra mắt 2 mẫu robot và một bộ khung robot sẽ được triển khai để giúp đỡ người dân và cả khách tham dự hai sự kiện thể thao này. Nhìn chung, chúng sẽ đảm nhận một số nhiệm vụ tương tự những người hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ chuyên nghiệp.

Robot hỗ trợ giao hàng

Cụ thể hơn, 2 chú robot này được sản xuất bởi Toyota và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn mọi người cách thức đi chuyển đến địa điểm mà họ muốn, sắp xếp chỗ ngồi, cung cấp thông tin và vận chuyển đồ ăn, thức uống. Trong đó, robot hỗ trợ con người (HSR) sẽ được trang bị cánh tay tích hợp để lấy khay và giỏ đựng những vật dụng cần thiết, trong khi robot hỗ trợ giao hàng (DSR) tuy có vẻ ngoài trông khá ngộ nghĩnh như những chiếc thùng rác di động nhưng lại và một “người vận chuyển” khéo léo và thông minh. Theo tiết lộ từ phía ban tổ chức, dự kiến sẽ có tổng cộng 16 chú robot được triển khai tại các địa điểm diễn ra Olympic Tokyo 2020, và ban tổ chức hy vọng rằng chúng sẽ đóng vai trò hữu ích trong việc hỗ trợ cho không chỉ người dân bình thường, mà đặc biệt là những người khuyết tật.

Robot hỗ trợ con người

"Chúng tôi đã xem xét và nghiên cứu rất kỹ lưỡng nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, và từ đó phát triển cũng như sáng tạo lên những chú robot có thể hỗ trợ tối đa trong cuộc sống hàng ngày. Tại Olympic Tokyo tới đây, sẽ có nhiều khách tham gia là những người khuyết tật và chúng tôi muốn họ thưởng thức các môn thi đấu mà không phải lo lắng về vấn đề di chuyển hay các tiện ích cần thiết." - Tổng Giám đốc Toyota Minoru Yamauchi chia sẻ.

Bên cạnh đó, Toyota cho biết họ cũng hy vọng những chú robot này sẽ kịp hoàn tất các công đoạn rà soát cuối cùng và được bán cho công chúng muộn nhất là vào năm 2030. Được biết trong những năm gần đây, nhà sản xuất ôtô số 1 Nhật Bản đã đầu tư thêm không ít nguồn lực vào việc phát triển công nghệ robot, nhằm mục đích mở rộng kinh doanh cũng như cung cấp các giải pháp di động ở quốc gia này trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số của đất nước Mặt Trời mọc đang tăng nhanh, gây áp lực lớn cho an sinh xã hội.

Ngoài 2 sản phẩm của Toyota, một bộ khung robot khác có tên gọi Power Assistant Suit do Panasonic sản xuất cũng sẽ được sử dụng tại Thế vận hội 2020. Bộ khung này sẽ được các công nhân mặc để giúp nâng và di chuyển vật nặng, hành lý được dễ dàng và an toàn hơn. Panasonic cho biết các bộ khung robot này sẽ giúp cải thiện hiệu suất làm việc lên ít nhất 20%, cho phép công nhân nâng các vật nặng tốn ít sức hơn và đặc biệt giúp giảm thiểu chấn thương, đau nhức sau khi làm việc trong thời gian dài.

Power Assistant Suit

"Chúng tôi muốn xây dựng một xã hội mà ở đó mọi người có thể làm bất kỳ công việc nào mình muốn mà không cần phải bận tâm đến những yếu tố như tuổi tác, giới tính, hay tình trạng thể chất. Khi bạn phải làm những công việc nặng nhọc, đây sẽ là lúc bộ đồ trợ lực này đặc biệt phát huy giá trị”, tổng giám đốc của Panasonic Yoshifumi Uchida chia sẻ.

Bộ khung này sẽ được các công nhân mặc để giúp nâng và di chuyển các vật nặng và hành lý được dễ dàng và an toàn hơn

Bên cạnh những mục đích về thể thao hay thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới, Olympic còn là dịp để đất nước chủ nhà quảng bá những thành tựu về văn hóa cũng như công nghệ của mình. Và thực sự, trong lần đăng cai Thế vận hội năm 1964, Nhật Bản cũng đã rất thành công trong việc ra mắt và quảng bá tàu cao tốc Shinkansen - một loại hình phương tiện giao thông mang tính biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Quan trọng hơn, Olympic 1964 cũng được coi là một cột mốc quan trọng, đánh dấu thành tựu phát triển ấn tượng trong mọi mặt của Nhật Bản khi chuyển mình từ một đất nước hồi phục sau sự tàn phá nặng nề của Chiến tranh Thế giới thứ Hai sang một quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới.

Thứ Ba, 19/03/2019 08:40
52 👨 112
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Công nghệ mới