Adobe nói người dùng có thể bị kiện vì “tội” sử dụng các phiên bản cũ của Photoshop

Adobe mới đây đã chính thức lên tiếng cảnh báo một số chủ sở hữu của các ứng dụng phần mềm Creative Cloud rằng họ không còn được phép sử dụng các phiên bản phần mềm cũ hơn. Đây có thể được coi là một ví dụ điển hình về cách thức kinh doanh của các công ty phát triển phần mềm trong vài năm trở lại đây. Để tối ưu hóa lợi nhuận cũng như dọn đường cho những sản phẩm mới, các công ty sẽ ngày càng siết chặt hơn việc sử dụng những phiên bản phần mềm cũ, thậm chí ngay cả khi bạn đã phải bỏ tiền ra mua phần mềm đó trước đây.

Lightroom - 1 phần mềm của Adobe

Đầu tuần này Adobe đã bắt đầu gửi cho một số người dùng các phần mềm của hãng bao gồm Lightroom Classic, Photoshop, Premiere, Animate và Media Director… một lá thư cảnh báo với nội dung rằng họ sẽ không còn được ủy quyền hợp pháp để sử dụng phiên bản cũ của những phần mềm nêu trên nữa. Nguyên văn thông báo được Adobe gửi qua hòm thư điện tử như sau:

“Gần đây, chúng tôi đã chính thức chấm dứt triển khai một số phiên bản cũ của một vài ứng dụng Creative Cloud. Và căn cứ theo các điều khoản đã nêu trong thỏa thuận của chúng tôi, bạn sẽ không còn được cấp phép sử dụng hợp pháp đối với những phần mềm này nữa. Xin vui lòng lưu ý rằng nếu bạn vẫn tiếp tục sử dụng (các) phiên bản mà chúng tôi đã ngừng triển khai, bạn có thể có nguy cơ đối mặt với những khiếu nại vi phạm bởi các bên thứ ba”.

Thồn báo của Adobe

Tất nhiên những người nhận được thông báo cũng đã bày tỏ sự thất vọng, thậm chí là hoang mang trước quyết định của Adobe.

Phản ứng từ người dùng

Công ty đã không thông báo rõ cho người dùng lý do tại sao họ buộc phải ngừng sử dụng phần mềm. Tuy nhiên theo giới quan sát, rất có thể vấn đề này bắt nguồn từ vụ kiện đang diễn ra giữa Adobe và một công ty khác. Theo báo cáo từ trang tin AppleInsider, đã có một vụ kiện liên quan bản quyền đối với Adobe được đệ trình bởi Dolby Labs vào năm ngoái.

Trong một động thái gây tranh cãi, Adobe đã chuyển hướng từ mô hình phần mềm tiêu chuẩn sang mô hình đăng ký dựa trên đám mây vào năm 2013. Điều này giúp cho doanh thu của công ty được cải thiện đáng kể (và tất nhiên khách hàng sẽ là đối tượng phải chịu mức giá cao hơn).

Vụ kiện của Dolby bắt nguồn từ một cáo buộc hướng tới Adobe đối với hành vi vi phạm bản quyền liên quan đến cách thức tính toán chi phí cấp phép mà Adobe đã trả cho Dolby theo mô hình mới này.

Quay trở lại với vấn đề ban đầu. Trong một tuyên bố với Motherboard, Adobe đã xác nhận tính xác thực của bức thư, nhưng lại không cung cấp bất kỳ chi tiết bổ sung nào ngoài những gì đã được họ đưa vào thông báo.

Photoshop

Đây là tiền lệ có thể gây hậu quả xấu. Nó cho thấy một “nghịch lý” đang xảy ra trong thế giới công nghệ, đó là việc chúng ta hoàn toàn có thể bị tước quyền sử dụng đối với những sản phẩm mà mình đã từng phải bỏ tiền ra mua trước kia. Và tất nhiên nếu chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng, các nhà phát hành đương nhiên không thiếu biện pháp gây khó dễ. Đó có thể là giao diện điều khiển trò chơi đột nhiên bị mất đi một vài tính năng sau một bản cập nhật chương trình cơ sở bắt buộc, hoặc các sản phẩm giải trí mà bạn đã mua đột nhiên biến mất không lý do. Đây thực sự là một vấn đề lớn trong kỷ nguyên số hóa như hiện nay.

Dylan Gilbert, một chuyên gia bản quyền thuộc nhóm bảo vệ người tiêu dùng Public Knowledge, cho biết trong trường hợp này, người dùng khó có thể nhờ cậy đến các động thái mang tính pháp lý đối với sự thay đổi đột ngột từ Adobe.

“Trừ khi Adobe đã vi phạm vào các điều khoản trong thỏa thuận cấp phép của mình bởi việc ngừng hỗ trợ đột ngột cho phiên bản phần mềm trước đó, còn nếu trường hợp đó không xảy ra, những người dùng bị ảnh hưởng bởi quyết định có phần vô lý này sẽ chẳng thể làm gì khác ngoài việc nở một nụ cười chua chát và chấp nhận thực tại”, ông Gilbert chia sẻ.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng chúng ta - những người tiêu dùng đối với các sản phẩm số - hiện đang sống trong một thế giới mà gần như không bao giờ chúng ta có thể thực sự sở hữu bất cứ sản phẩm số nào cho riêng mình, ngay cả khi đã trả tiền sòng phẳng. Trong cái thực tại mới đầy sự vô lý này, chúng ta - những người dùng cuối buộc phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước các thỏa thuận cấp phép người dùng cuối (EULAs), trong đó người cấp phép (những công ty chủ quản của phần mềm) hoàn toàn có thể thay đổi điều khoản dịch vụ mà không cần thông báo trước.

“Ngay cả khi Adobe đang vướng phải rắc đối với những tranh chấp liên quan đến Dolby, họ vẫn có quyền buộc khách hàng phải nâng cấp lên các phiên bản phần mềm mới hơn đắt tiền hơn. Điều này là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh và tầm ảnh hưởng không đáng có của EULAs đối với cuộc sống của người dùng. Đúng ra, chúng ta phải có toàn quyền sở hữu cũng như sử dụng đối với những gì mà mình đã mua”, ông Gilbert nói thêm.

Adobe buộc khách hàng phải nâng cấp lên các phiên bản phần mềm mới hơn đắt tiền hơn

Nhà hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, tác giả và chuyên gia về bản quyền Cory Doctorow hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Dylan Gilbert. Chia sẻ với Motherboard, vị chuyên gia này cho rằng kiểu suy nghĩ như của Adobe đã, đang, và sẽ ngày càng thấm vào vô số khía cạnh trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm các phương tiện dựa trên DRM, phần mềm với cơ cấu dịch vụ và thậm chí đối với cả các trò chơi máy chủ-máy khách.

Cả 2 chuyên gia Doctorow và Gilbert đều lưu ý rằng những thay đổi tùy ý kiều này thường có thể gây rắc rối đặc biệt cho các nghệ sĩ và những nhà sáng tạo, những người đang kiếm sống dựa vào các phần mềm sáng tạo kỹ thuật số như Photoshop. Họ thường không muốn mạo hiểm với các dự án của mình bằng cách đột nhiên chuyển sang các phiên bản phần mềm mới có thể chứa vô số lỗi không thể lường trước được.

Khi các công cụ mà bạn đã mua lại chỉ được thiết kế để coi bạn như một người đi thuê, chứ không phải là chủ sở hữu thực sự, thì chính bạn chứ không phải là ai khác, sẽ là người phải gánh chịu hậu quả từ những ý tưởng bất chợt, mưu mô và rủi ro không lường trước của những kẻ cho thuê, mà kẻ đó ở đây chính là những công ty chủ quản như Adobe. Và trớ trêu là các quyền hợp pháp của bạn lại được xác định thông qua một “hợp đồng” mà bạn đã nhấp qua cả triệu lần mỗi khi cài đặt và sử dụng sản phẩm, nói rằng bạn đồng ý với “tất cả các điều khoản của phần mềm”. Vâng, đồng ý với “tất cả các điều khoản” sẽ đồng nghĩa với việc bạn chẳng có quyền hợp pháp nào, tất cả sẽ được đặt dưới sự quyết định của nhà cung cấp dịch vụ.

Đó thực sự là một thực tế bi hài. Một sự hài hước mà chúng ta có thể lục tìm được trong đó cái bi từ cách thức các công ty, nhà cung cấp sản phẩm số đang cố “bẫy” các “thượng đế” của mình. Đáng buồn hơn, theo nhiều chuyên gia về bản quyền, thực tế này sẽ khó mà có thể sớm thay đổi. Và cho đến khi có một sự thay đổi tích cực dù là nhỏ nhất thực sự xuất hiện, những người tiêu dùng thấp cổ bé họng như tôi và bạn chỉ có một lựa chọn, một giải pháp yếu ớt duy nhất để tự bảo vệ quyền lợi của mình, đó là không mua bất cứ sản phẩm nào từ các công ty đã từng có lịch sử áp đặt thay đổi một cách thiếu tôn trọng người dùng. Sau vụ việc lần này, Adobe sẽ là cái tên đầu tiên có “vinh dự” nằm trong danh sách đen của tôi!

Chủ Nhật, 02/06/2019 08:43
55 👨 1.921
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ