Trò chơi gây nghiện Flappy Bird đưa Nguyễn Hà Đông nổi tiếng chỉ sau một đêm, trong khi đó, Kenny Sang và Lệ Rơi lại trở thành đề tài gây tranh cãi dữ dội.
Nguyễn Hà Đông
Nguyễn Hà Đông cũng được báo chí nước ngoài săn đuổi. Ảnh: Bloomberg.
“Cha đẻ” của Flappy Bird bất ngờ nổi tiếng chỉ sau một đêm nhờ sức hút của trò chơi được viết sau 3 ngày. Ít ai ngờ trò chơi đơn giản được viết trên nền tảng 8-bit lại khiến tên tuổi của lập trình viên 29 tuổi được nhiều người trên thế giới nhắc đến. Cái tên “Dong Nguyen” liên tục xuất hiện trên các trang tin tức của Việt Nam và trên các các tờ báo uy tín như Forbes, CNN, The Guardian, Bloomberg cho đến CNet, Mashable... như một lập trình viên trẻ tuổi tài ba hay một triệu phú có được tất cả từ số 0 chỉ sau một thời gian ngắn.
Nhiều đề tài bàn tán xoay quanh chàng trai ít nói người Hà Nội, một vài bức hình trong quá khứ của anh được khơi lại, những bài viết viết về anh luôn thu hút lượng người xem cao. Trang Twitter cá nhân, nơi Hà Đông đưa ra những thông báo cho Flappy Bird đạt đến con số 152.000 lượt theo dõi và đến nay sau gần một năm vẫn còn chiếm được sự quan tâm của nhiều người. Vốn là người không ưa sự ồn ào, sau thành công bất ngờ vượt xa tưởng tượng của sản phẩm cá nhân, ngày 8/2, anh tuyên bố xóa trò chơi khỏi tất cả các do ứng dụng khi thừa nhận “nó phá nát cuộc sống vốn đơn giản của tôi”.
Sau Flappy Bird gắn với “thương hiệu cá nhân” Nguyễn Hà Đông, người dùng còn tìm một số trò chơi khác của anh như Swing Copter, Super Ball Juggling nhưng không gây được hiệu ứng mạnh mẽ. Dẫu vậy, cái tên Nguyễn Hà Đông vẫn tạo được sức hút bất kỳ nơi đâu anh ghé qua.
Tài khoản "Peejet" trên Instagram
Một trong những bức hình ghép như thật của "Peejet" với người nổi tiếng.
Ra đời năm 2012, mãi đến giữa năm 2013 dự án PeejeT của chàng trai tên Patrick Thorendahl mới bắt đầu thực hiện những bức ảnh chủ yếu là cắt ghép một cách tài tình để đăng trên mạng xã hội.
Khởi đầu với một vài hình ảnh ngẫu nhiên lấy trên Tumblr, những bức hình của Patrick bắt đầu nổi tiếng khi được ghép với hàng loạt ngôi sao rồi đăng trên Instagram. Tài khoản "peejet" của anh chàng trên mạng xã hội hình ảnh lớn nhất thế giới thu hút được 185.000 lượt theo dõi.
Tất cả hình ảnh trên trang cá nhân của anh đều được cố tình sắp xếp sao cho khuôn mặt của anh ăn khớp với tình huống trong bức ảnh. Biểu cảm khuôn mặt và cách cắt ghép của Patrick đều rất vui nhộn, bên cạnh đó, thủ thuật Photoshop tài tình của anh chàng khiến mọi người thích thú.
Người dùng có thể nhận ra niềm yêu thích của anh chàng này dành cho các ngôi sao Kim Kardashian, Beyonce hay Rihanna khi hình ảnh cắt ghép với các ngôi sao này xuất hiện dày đặc. Nói về những bức hình ghép của mình, Patrick cho rằng nó thật "điên rồ" và dĩ nhiên không có gì hơn ngoài mục đích giải trí.
Phạm Văn Thoại
Anh Phạm Văn Thoại (áo xanh) trước khi rời khỏi Singapore. Ảnh: Todayonline.
Đầu tháng 11, các tờ báo lớn ở Singapore cũng như trong nước đồng loạt đưa tin một du khách Việt Nam bị lừa mua iPhone 6 ở khu Sim Lim Square, khi ra về mất 550 SGD mà không có chiếc iPhone nào.
Anh Phạm Văn Thoại, người bị lừa trong sự việc gây chú ý bởi hình ảnh khóc và quỳ lạy chủ cửa hàng Mobile Air để được hoàn lại số tiền. Hình ảnh này dấy lên tranh cãi dữ dội trong cộng đồng người dùng Internet ở Việt Nam. Hai ngày sau đó, cuộc quyên góp của một công dân Singapore tên Gabriel Kang đã mua được chiếc iPhone 6 khác tặng cho anh Thoại lúc ra sân bay về nước, tuy nhiên, hành động từ chối món quà của anh khiến nhiều người cảm thấy hài lòng. Người Singapore gọi anh là "người bạn trai của năm".
Ngoài một vài thông tin như đang làm công nhân tại Việt Nam với mức lương khoảng 4 triệu một tháng thì người ta không biết gì thêm về anh chàng này. Trang cá nhân trên Facebook của anh cũng đóng cửa không lâu sau sự việc.
Jover Chew - ông chủ Mobile Air
Jover Chew bị người dân Singapore "chơi khăm" để trừng trị những gì anh ta đã bôi nhọ hình ảnh đất nước.
Cũng trong vụ lừa tai tiếng ở "điểm đen" mua sắm Sim Lim Square, người dân Singapore ngoài thể hiện sự tử tế với vị khách Việt không may còn hợp sức truy tìm chủ cửa hàng Mobile Air để trả đũa.
Jover Chew, ông chủ Mobile Air, bị người Singapore xem như kẻ "hủy hoại hình ảnh của đất nước". Những hình ảnh nhạy cảm của vợ chồng Chew được người dùng mạng truy ra, thậm chí, địa chỉ nhà, số điện thoại, hộ chiếu và thông tin cá nhân đều bị công khai. Dịch vụ ăn uống, cắt tóc, mua sắm hàng ngày của Chew đều bị người dân bắt phải trả cao gấp chục lần giá thường để "trả phí bảo hiểm", tương tự với những gì Chew đã làm với du khách Việt Nam.
Bị truy lùng quá nhiều, cửa hàng Mobile Air của Chew phải tạm đóng cửa giữa cơn phẫn nộ của dư luận. Người dùng sau đó còn phát hiện thêm kiểu mua bán của cửa hàng này với hai khách Trung Quốc khiến vợ Chew phải lên mạng công khai xin lỗi.
Tên tội phạm đẹp trai Jeremy Meeks
Hình ảnh tên tội phạm Jeremy Meeks với ánh mắt sâu hút hồn được 12.854 lượt "share" trên trang Facebook của Stockton Police Department.
Ngay khi Sở cảnh sát Stockton, California đăng bức hình Jeremy Meek lên trang cá nhân Facebook, hình ảnh tên tội phạm "đẹp như người mẫu" cùng ánh mắt xanh sâu thẳm gây được chú ý mạnh mẽ, chủ yếu từ chị em phụ nữ.
Jeremy Meeks, bị bắt hồi tháng 6/2014 vì tội tàng trữ súng lục và súng trường trái phép. Hình ảnh của Jeremy chiếm lượt thích, bình luận và chia sẻ nhiều đến bất ngờ. Đến nay bức hình có hơn 12.854 lượt chia sẻ và hàng chục ngàn bình luận về vẻ ngoài của anh chàng này. Nhiều người cho rằng anh ta nên đi làm người mẫu để kiếm hàng triệu USD thay vì ngồi sau song sắt. Không chỉ trên mạng xã hội, bất kỳ thông tin nào có đề cập đến Jeremy trên các tờ báo cũng chiếm được quan tâm cao.
Một tháng sau đó, Jeremy ra tòa với nhiều cáo buộc liên quan đến bạo lực và vũ khí. Tờ Washington Post dẫn lời phát ngôn viên của San Joaquin County District, ông Attorney Robert Himelblau cho biết án phạt có thể lên đến 10 năm và nộp phạt 250.000 USD hoặc có thể hơn.
Lệ Rơi
Anh chàng nông dân Nguyễn Đức Hậu xem việc hát và đăng tải video lên mạng như một thú vui giải trí sau công việc mưu sinh. Ảnh: Ione.
Trường hợp của Lệ Rơi không hẳn là thành công nhưng lại là một “hiện tượng” trở thành tâm điểm của sự chế giễu. Lệ Rơi là một trong số ít trường hợp nổi tiếng thông qua Youtbe mà không nhờ tài năng hay cá tính đặc biệt. Người ta tò mò về Lệ Rơi, sự tò mò vượt qua khỏi mục đích giải trí biến anh thành phong trào bị trêu chọc hơn là ngưỡng mộ.
Chỉ với một chiếc laptop, một chiếc thùng thiếc kê lên làm bàn, những video hát lại một số bài hát nổi tiếng của chàng nông dân Nguyễn Đức Hậu - tên thật của Lệ Rơi bỗng chốc gây được chú ý.
Bắt đầu từ bài hát Em của ngày hôm qua của ca sĩ Sơn Tùng, người dùng chuyền tay nhau chia sẻ video về một anh chàng hát không hay nhưng cách hát dễ gây cười. Nhờ chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, kênh Youtube của Hậu kéo theo lượng theo dõi lên đến hàng trăm ngàn, mỗi video của anh đều có lượt xem cao không thua xém gì những sản phẩm giải trí đầu tư bài bản. Đức Hậu chia sẻ, những bài hát trên Youtube chỉ là thời gian giải trí của anh sau công việc chính bên sào ổi nhà trồng. Hình ảnh của Đức Hậu bị đem ra cắt ghép, trang Facebook của anh có gần một triệu lượt "like", cuộc sống của anh chàng nông dân bỗng chốc thay đổi chỉ sau vài ngày.
Đức Hậu sau đó còn được mời đi hát và xuất hiện trên một số chương trình truyền hình, tuy nhiên, nhiều người không đồng ý để sự chân thật của Đức Hậu bị lợi dụng bởi một bộ phận người dùng Internet.
Kenny Sang
Trang cá nhân của Kenny Sang chiếm lượng "like" lớn.
Giống như Lệ Rơi, sự nổi tiếng bất ngờ của Kenny Sang được hình thành do cá tính không giống ai. Chàng trai sinh năm 1991 sở hữu cửa hàng thời trang ở quận 5 khiến dư luận chỉ trích bởi sự phô trương về bản thân và gia đình.
Dù vậy, trang cá nhân của Kenny Sang cũng đạt đến gần 500.000 người theo dõi. Mỗi bức hình, câu nói, chia sẻ của anh chàng đều bị chỉ trích gay gắt chủ yếu từ những người trẻ. Quá khứ, gia đình và cuộc sống cá nhân của Sang đều bị đưa ra làm đề tài soi mói.