Trang tin Huffingtonposts.com đưa ra 5 lý do khiến Mark Zuckerberg, người sáng lập và là giám đốc điều hành Facebook, được tờ Time bình chọn là nhân vật của năm 2010.
Lịch sử ngắn ngủi của Facebook có lẽ không có gì ấn tượng hơn là trở thành hình mẫu trong bộ phim bom tấn "Mạng xã hội" (The Social Network) nhưng sản phẩm của Mark Zuckerberg cũng có nhiều lúc thăng trầm. Giống như bất kỳ công ty nào, Facebook cũng có những quyết định tốt và những quyết định dở, những thành công vang dội và những thất bại thảm hại.
Huffingtonposts.com đã chỉ ra 5 quyết định được cho là thông minh nhất của Facebook, góp phần đưa mạng xã hội này trở thành một tên tuổi lớn trên toàn cầu.
Sử dụng thông tin cá nhân thật
Một trong những yếu tố đáng kể phân biệt Facebook với những mạng xã hội đối thủ và giúp nó trở thành tên tuổi lớn trên mạng như ngày nay là mạng xã hội này từ sớm đã yêu cầu người dùng tạo hồ sơ (profile) sử dụng tên và thông tin cá nhân thật.
Mark Zuckerberg nói vào đầu năm rằng "Web bây giờ là thời điểm bước ngoặt quan trọng thực sự. Đến gần đây, mặc định trên Web hầu như hết thảy là thiếu xã hội (social) và hầu hết không sử dụng tên thật. Chúng tôi đang hướng đến một thế giới Web mặc định là xã hội. Mọi ứng dụng và sản phẩm sẽ được thiết kế dựa trên việc sử dụng thông tin cá nhân thật và bạn bè thật".
Không bán
Trong những năm đầu của Facebook, Zuckerberg và các đồng sự đã nhận được rất nhiều lời chào mua hấp dẫn từ những tên tuổi như Friendster, Google, MySpace, Viacom, News Corp, Yahoo và nhiều hãng khác. Trong năm 2006, Viacom và Yahoo đã ra giá 1 tỷ USD nhưng Mark Zuckerberg vẫn nhất quyết chối từ.
Đưa Facebook trở thành nền tảng
Một trong những điều đã biến Facebook trở thành Facebook như ngày nay và giúp nó trở thành mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới là quyết định mở nền tảng (platform) Facebook vào năm 2007.
Nền tảng Facebook tạo điều kiện cho các nhà lập trình xây dựng ứng dụng trên trang này (như trò chơi FarmVille, Scrabble...), cho phép các website tích hợp với Facebook và nhiều ứng dụng khác nữa. Nói cách khác, nền tảng này giúp mở rộng và cải thiện những gì chúng ta có thể làm trên Facebook và giúp đưa yếu tố xã hội lên các website khác trên mạng. Hiện có hơn nửa triệu ứng dụng trên nền tảng Facebook và khoảng 250.000 trang web có nút tích hợp Facebook.
Bắt đầu với sinh viên
Facebook đưa dịch vụ của mình nhắm đến sinh viên đầu tiên với ý tưởng là tạo ra môi trường kết nối cho các bạn trẻ thích giao lưu, hẹn hò và gặp gỡ với bạn bè mới. Facebook (ban đầu có tên là Thefacebook) ra mắt lần đầu tiên với sinh viên Harvard vào đầu năm 2004, sau đó mở rộng dần đến những trường danh tiếng khác như Stanford, Columbia, Yale và rồi tiến đến khắp các trường đại học ở Mỹ và Canada. Từ năm 2005, mạng xã hội này bắt đầu mời gọi học sinh trung học, sau đó mở rộng đến một số doanh nghiệp. Phải đến năm 2006, Facebook mới mở rộng đến tất cả mọi người trên 13 tuổi.
Chiêu mộ Sheryl Sandberg
Sự có mặt của Sheryl Sandberg trong năm 2008 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với Facebook. Sheryl Sandberg, hiện là giám đốc kinh doanh của Facebook và từng là giám đốc bán hàng trực tuyến toàn cầu của Google, đã giúp mạng xã hội này bước vào giai đoạn 'siêu tăng trưởng' (gấp 6 lần về số nhân viên và 7 lần về lượng người dùng chỉ sau 2 năm) và kiếm bộn tiền từ các hoạt động quảng cáo trực tuyến. Thậm chí, tờ Businessweek nhận định Sheryl Sandberg là 'người bạn giá trị nhất của Facebook'.