10 hãng IT hàng đầu châu Á năm 2008

Trái với suy nghĩ thông thường là Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc sẽ đi đầu châu Á về công nghệ, nhưng chính Đài Loan mới là cái nôi sản sinh ra những doanh nghiệp IT "cỡ khủng".

Trong danh sách IT 100 của tạp chí BusinessWeek năm nay, châu Á đóng góp 37 cái tên nhưng một lần nữa, Đài Loan lại thống trị một cách áp đảo với 16 công ty. Với thành tích này, Đài Loan chỉ chịu thua kém mỗi Mỹ, nước có 36 doanh nghiệp IT lớn nhất và làm ăn hiệu quả nhất thế giới mà thôi.

Nhật Bản gỡ gạc được phần nào danh dự khi ngôi vị "Quán quân công nghệ châu Á" thuộc về một thương hiệu của họ. Với sản phẩm máy chơi game Wii đang làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu, không có gì ngạc nhiên khi Nintendo lại được tôn vinh như vậy.

Ở thái cực ngược lại, các hãng phần mềm và gia công thô của Ấn Độ chính là kẻ thất bại nặng nề nhất trong năm.

Những cái tên như Infosys và Wipro đã lao đao trong suốt 1 năm qua, do sự trượt giá của đồng USD và triển vọng u ám của nền kinh tế Mỹ - thị trường lớn nhất của họ. Điển hình nhất là Tata Consultancy Service. Năm ngoái, họ chễm chệ đứng ở vị trí thứ 23 trong danh sách. Nhưng năm nay, họ thậm chí không có cơ hội để góp mặt.

Dưới đây là danh sách 10 hãng công nghệ hàng đầu châu Á:

1. Nintendo (Vị trí số 4 trong Top IT 100)


Nguồn: BusinessWeek

Hãng sản xuất máy chơi game Nhật Bản đã nhảy liền 4 bậc lên vị trí No 4 trong bảng xếp hạng năm nay. Với thứ hạng này, Nintendo chính là doanh nghiệp IT số một của châu Á tại thời điểm này. "Công thần" lớn nhất, không gì khác, chính là chiếc máy chơi game đầy sáng tạo Wii.

Với tính năng cảm ứng chuyển động đầy hấp dẫn, Wii đã đánh bại Xbox 360 của Microsoft và Sony PlayStation 3 để trở thành máy chơi game bán chạy nhất trên đất Mỹ.

Ngày 19/5 vừa qua, Nintendo lại tiếp tục tung ra phiên bản Wii Fit tại Mỹ, với hy vọng các trò chơi kết hợp với thể dục thể thao sôi động sẽ tái lập thành công như ở Nhật Bản.

2. China Mobile (Vị trí số 6)


Nguồn: BusinessWeek

Cũng giống như Nintendo, mạng di động lớn nhất Trung Quốc đã cải thiện được 4 bậc so với danh sách năm ngoái. China Mobile sở hữu một thị phần bỏ xa đối thủ China Unicom, nhưng triển vọng của hãng không thật sự màu hồng.

Ngày 20/5 vừa qua, China Mobile thông báo hãng đã có thêm 7,4 triệu thuê bao mới kể từ đầu năm đến nay. Nghe có vẻ "ấn tượng" quá chứ? Nhưng vấn đề là giới phân tích đã dự đoán một con số còn lớn hơn thế nhiều.

Không riêng gì China Mobile mà China Unicom và hai mạng điện thoại cố định khác ở Trung Quốc cũng công bố tốc độ tăng trưởng thuê bao đáng thất vọng.

Có vẻ như thị trường viễn thông Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, sau một thời gian tăng trưởng nóng liên tục.

3. Asustek (Vị trí số 9)


Sự thành công của dòng máy EEE đã giúp Asus giành thứ hạng cao
trong IT 100. Nguồn: ILuvTech

Chủ tịch Asustek, ông Jonney Shih đã khá liều lĩnh khi quyết định: hãng của ông nên chuyển sang gây dựng thương hiệu PC của riêng mình, thay vì cắm cúi sản xuất máy tính theo đơn đặt hàng gia công cho các hãng phương Tây như trước đây.

Cho tới nay, quyết định này đã chứng tỏ nó cực kỳ đúng đắn và hợp lý trong trường hợp của Asustek, hãng máy tính đến từ Đài Bắc.

Với sản phẩm "đinh" EEE PC, một dòng laptop siêu di động với giá thành xấp xỉ 650 USD, Asustek là hãng PC đầu tiên trên thế giới thực sự kích hoạt cho mô hình laptop mini bình dân.

Trước đó, laptop OLPC và Intel Classmate chỉ bó hẹp trong thị trường giáo dục ở các nước nghèo mà thôi.

Nhờ sự hút hàng của EEE và nhiều thiết kế máy tính khác, lợi nhuận quý I của Asustek đã tăng tới 7,4%, đạt 237 triệu USD. Tuy nhiên, với việc các ông lớn như HP và Acer cũng đang rục rịch tung ra những dòng sản phẩm laptop mini riêng, Asustek sẽ khó độc chiếm thị trường này được lâu.

4. HTC (Vị trí số 10)


Nguồn: BusinessWeek

Lại thêm một gương mặt nữa đến từ Đài Loan. Và lần này là High Tech Computer, hay HTC, nhà sản xuất smartphone sử dụng hệ điều hành Windows Mobile lớn nhất thế giới.

Suốt thời gian qua, HTC đã miệt mài tung ra hàng loạt thiết kế smartphone mới. Giám đốc điều hành Peter Chou mong muốn gây dựng thương hiệu HTC như một "đối thủ của Apple".

Kể từ thời điểm phát hành hồi hè năm ngoái, tính đến nay HTC Touch - dòng smartphone màn hình cảm ứng đầu tiên của HTC đã bán được hơn 3 triệu máy.

Mới đây nhất, HTC lại trình làng Diamond, một model smartphone cực kỳ hấp dẫn với hình họa 3D, máy ảnh số 3,2 chấm tích hợp, kết nối 3G GSM và truy cập Internet HSDPA siêu tốc. Chiến lược kinh doanh hiệu quả của HTC đã nhận được sự đồng tình của giới đầu tư, bằng cớ là cổ phiếu của hãng đã tăng giá hơn 40% kể từ đầu năm.

5. Hon Hai Precision Industry (Vị trí số 16)


Nguồn: BusinessWeek

Năm nay, gã khổng lồ điện tử đến từ Đài Loan phải dừng chân ở một vị trí không lấy gì làm quen thuộc và đáng ăn mừng cho lắm. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Hon Hai bị tụt ra khỏi Top 5 của danh sách IT 100.

So với bảng xếp hạng năm ngoái, hãng sản xuất máy tính, điện thoại, máy in và iPod gia công đã tụt liền 12 bậc. Điều gì đã khiến cho guồng quay của Hon Hai bị giảm tốc mãnh liệt như vậy?

Đấy là vì Hon Hai và công ty con có trụ sở tại Hồng Kông của họ (Foxconn International - vị trí số 30) đều dựa dẫm khá nhiều vào giá nhân công rẻ ở các nhà máy Trung Quốc.

Chính vì thế, khi luật lao động mới của Trung Quốc được thực thi, sức ép về chi phí cũng tăng lên. Lợi nhuận quý I của Hon Hai chỉ tăng vẻn vẹn 3%, đạt 528 triệu USD.

6. LG Electronics (Vị trí số 17)


Nguồn: BusinessWeek

Cách đây không lâu, thương hiệu điện tử duy nhất của Hàn Quốc được thế giới biết đến chỉ là Samsung. Trong danh sách IT 100 của năm 2007, LG Electronics thậm chí không được góp mặt.

Nhưng tình hình đã thay đổi một cách chóng vánh. LG không còn là "kẻ đứng sau ngậm ngùi" nữa.

Giá cổ phiếu của hãng đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm đến nay, trong khi doanh số ĐTDĐ xuất xưởng nhảy vọt tới 54% trong quý I. Hãng thậm chí còn đứng trên cả đối thủ Samsung trong IT 100 - 2008.

Hiện là hãng sản xuất điện thoại di động lớn thứ 4 thế giới, LG đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với đối thủ đứng ở vị trí số 3 Motorola (Hai vị trí đầu bảng thuộc về Nokia và Samsung Electronics).

LG đặc biệt ghi điểm với Chocolate, dòng máy siêu mỏng với bàn điều khiển cảm ứng sành điệu. Ngoài ra, việc bắt tay với hãng thời trang Prada để tung ra một thiết kế điện thoại màn hình cảm ứng cũng khá thành công.

7. Bharti Airtel (Vị trí số 24)


Nguồn: BusinessWeek

Ấn Độ hiện là thị trường di động tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chính vì thế mà Bharti Airtel, mạng di động số 1 nước này, có điều kiện để tăng trưởng mạnh cả ở trong nước lẫn quốc tế.

Cách đây 1 năm, Bharti Airtel đứng ở vị trí số 14, tuy nhiên, do sự suy thoái của thị trường chứng khoán Mumbai nên năm nay, hãng đã bị tụt hạng. Hiện Bharti đang trong giai đoạn đàm phán sáp nhập với mạng MTN Group của Nam Phi (Vị trí số 13 trong Top IT 100).

Nếu như hai bên có thể đi tới thỏa thuận, liên minh này sẽ trở thành mạng di động lớn thứ sáu thế giới, phủ sóng ở 22 nước tại Trung Đông, châu Phi và châu Á.

8. LG Display (vị trí số 26)


Nguồn: Korea times

Tháng 2 vừa qua, LG và Philips đã chính thức "ly dị" và liên doanh một thời LG.Philips.Display giờ đã đổi tên thành LG Display. Nhưng sự tan rã đó chẳng làm cho công ty điêu đứng phút nào.

Ngày 10.4 vừa qua, LG Display thông báo lợi nhuận quý I đã đạt 725 triệu USD, một thành tích quá ấn tượng nếu đem so với mức lỗ 171 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp LCD nổi tiếng là "thất thường như gái mới lớn". Vì thế, giới đầu tư cũng nên cẩn trọng và cân nhắc kỹ khi đầu tư vào cổ phiếu của các hãng sản xuất màn hình.

Việc cổ phiếu của LG Display giảm tới 17% trong năm nay cũng là một hiện tượng đáng để lưu tâm.

9. NHN (Vị trí số 29)


Nguồn: BusinessWeek

Dù đang làm mưa làm gió tại Mỹ và châu Âu, song gã khổng lồ tìm kiếm Google vẫn không tài nào tìm ra cách hạ bệ NHN - công cụ tìm kiếm số 1 tại Hàn Quốc hiện nay. Nói cho chính xác thì NHN là hãng sở hữu Naver, công cụ tìm kiếm bằng tiếng Hàn được ưa chuộng nhất.

NHN cũng đang vận hành cả cổng game trực tuyến và website dành cho trẻ em ăn khách nhất xứ sở kim chi.

Được thành lập từ năm 1999, NHN hiện đang cố gắng mở rộng quy mô bằng cách đầu tư vào Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, những lo ngại về tốc độ tăng trưởng có phần chững lại của quảng cáo trực tuyến đã khiến cho giá cổ phiếu NHN bị giảm hơn 7%.

10. Samsung Electronics (Vị trí số 33)


Nguồn: BusinessWeek

2008 quả là một năm chông gai với các quan chức của Samsung. Chủ tịch hãng đã từ chức hồi tháng 4 do bị điều tra tham nhũng. Nội bộ lãnh đạo cũng bị xáo trộn, dẫn tới việc hàng loạt quan chức hàng đầu từ chức.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng của Samsung không hề bị chậm lại. Năm ngoái, hãng đã hạ bệ thành công Motorola để trở thành nhà sản xuất ĐTDĐ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nokia.

Trong quý I năm nay, doanh số điện thoại mà Samsung bán được cũng nhảy vọt 33%, đạt 46,3 triệu máy. Để duy trì đà tăng trưởng này, Samsung dự định giới thiệu khoảng 30 mẫu điện thoại multimedia mới trong quý II.

Thứ Tư, 28/05/2008 11:24
31 👨 70
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp