10 “bóng hồng” tuyệt vời nhất mọi thời đại trong làng lập trình

Những lập trình viên thành công và nổi tiếng phần lớn đều là nam giới - đây chắc chắn là một quan niệm sai lầm khi nói về thế giới lập trình. Các nữ lập trình viên thường đứng dưới ánh hào quang thể hiện ra bên ngoài mà công chúng nhìn thấy nên sự đóng góp của họ ít được thế giới biết đến hơn. Tiết lộ rằng trước khi trở thành công việc đặc thù của nam giới, phụ nữ là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Nữ lập trình viên Margaret Hamilton

Sự thật là từ xưa đến nay, trên thế giới có khá nhiều nữ lập trình viên, thậm chí họ còn giữ những vị trí quan trọng. Quantrimang xin điểm tên 10 bóng hồng vĩ đại nhất mọi thời đại trong làng lập trình có thể khiến bất cứ anh em nào trong ngành cũng phải xuýt xoa ngưỡng mộ. Mời bạn đọc theo dõi.

1. Grace Hopper

Grace Hopper

Grace Murray Hopper (09/12/1906 - 01/01/1992) là một trong những lập trình viên đầu tiên của chiếc máy tính Harvard Mark I của IBM - chiếc máy tính quy mô lớn đầu tiên ở Mỹ. Bà là người đã phát minh ra trình biên dịch đầu tiên cho ngôn ngữ lập trình máy tính giúp giảm một khối lượng công việc khổng lồ cho các nhà lập trình. Grace Hopper còn là một trong những người phổ biến ý tưởng về một ngôn ngữ lập trình độc lập cho máy tính, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của COBOL - một trong những ngôn ngữ lập trình cấp cao đầu tiên. Bà cũng là người giới thiệu thuật ngữ “debugging” cho việc sửa lỗi máy tính và lỗi lập trình. Sau khi bà mất, Grace Hopper được lấy tên cho hàng loạt công trình, giải thưởng, học bổng liên quan đến công nghệ như một sự tưởng nhớ và kính nể đối với một tượng đài trong lĩnh vực lập trình.

2. Ada Lovelace

Ada Lovelace

Augusta Ada King - bá tước Lovelace hay thường được gọi là Ada Lovelace (10/12/1815 - 27/11/1852) là một nhà văn, nhà toán học tài năng xuất thân từ dòng dõi quý tộc Anh. Bà là người viết ra những lệnh lập trình máy tính đầu tiên từ giữa thế kỷ 19 - khi mà chiếc máy tính đầu tiên còn chưa ra đời. Trong những chú thích của mình, Ada Lovelace mô tả cách tạo code để thiết bị xử lý thêm cả chữ cái và biểu tượng chứ không chỉ các con số. Bà cũng lý thuyết hóa phương pháp để máy móc lặp lại một chuỗi lệnh, quá trình được gọi là “vòng lặp” mà các chương trình máy tính ngày nay sử dụng. Nhờ tác phẩm đó của mình, Ada được xem là nhà lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới.

3. Lois Mitchell Haibt

Lois Mitchell Haibt

Lois Mitchell Haibt (sinh năm 1934) là một nhà khoa học máy tính người Mỹ. Bà là thành viên của nhóm 10 người tại IBM đã phát triển FORTRAN - ngôn ngữ lập trình bậc cao thành công đầu tiên. Trong quá trình phát triển FORTRAN, bà đã phân tích các dòng lệnh của chương trình được tạo bởi các phần khác của trình biên dịch. Lois Mitchell Haibt cũng là người đầu tiên tạo ra bộ phân tích cú pháp cho các biểu thức số học. Bà được biết đến như là người tiên phong trong lĩnh vực khoa học máy tính. Haibt cũng là một trong những người biên soạn cuốn tài liệu tham khảo hướng dẫn FORTRAN đầu tiên vào năm 1956.

4. Barbara Liskov

Barbara Liskov

Barbara Liskov (Sinh ngày 07/11/1939) là một trong những phụ nữ đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ về khoa học máy tính ở Hoa Kỳ. Bà là người phát triển Nguyên tắc Tính khả dĩ thay thế Liskov (Liskov Substitution Principle) và chiến thắng giải Turing - Giải thưởng được coi là Nobel của lĩnh vực khoa học máy tính. Barbara Liskov cũng là người phụ nữ đứng đầu nhiều dự án quan trọng như: hệ điều hành Venus - một hệ phân chia thời gian nhỏ, chi phí thấp và tương tác, hay ngôn ngữ lập trình CLU mang đến những khái niệm mới như các loại dữ liệu trừu tượng, vòng lặp, và phép gán song song…

Bà cũng là người tạo ra Argus - ngôn ngữ cấp cao đầu tiên hỗ trợ triển khai các chương trình phân tán, thể hiện những hứa hẹn về kỹ thuật ống dẫn (pipeline) và hệ thống cơ sở dữ liệu hướng đối tượng Thor. Bà là người đứng đầu Nhóm Phương pháp lập trình (Programming Methodology Group) tại MIT, với trọng tâm nghiên cứu là khả năng chịu lỗi của Byzantine và tính toán phân tán.

5. Frances Elizabeth Allen

Frances Elizabeth Allen

Frances Elizabeth Allen (sinh ngày 04/08/1932) là một nhà khoa học máy tính người Mỹ và là người tiên phong trong lĩnh vực tối ưu hóa các trình biên dịch (compiler). Allen còn được biết đến là nữ nhân viên đầu tiên của IBM và là người phụ nữ đầu tiên giành được giải thưởng Turing vào năm 2006. Bà có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trình biên dịch và dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu phát triển các trình biên dịch ngôn ngữ lập trình tiên tiến cho IBM Research. Ngoài Turing Award, Frances Elizabeth Allen còn giành rất nhiều giải thưởng khoa học như Computer Pioneer Award năm 2004, Computer History Museum Fellow năm 2000.

6. Jean Bartik

Jean Bartik

Jean Jennings Bartik (sinh ngày 27/12/1924) là một trong những lập trình viên đầu tiên cho máy tính ENIAC (Electronic Numerical Intergrator and Computer) - siêu máy tính trong Thế chiến thứ II. Bà và các đồng nghiệp đã phát triển và mã hóa nhiều nguyên tắc cơ bản của lập trình trong khi làm việc với ENIAC, giúp thực hiện phép tính quỹ đạo của đại bác và tên lửa quân sự, cho kết quả nhanh hơn nhiều so với việc tính toán bằng tay. Sau khi làm việc với ENIAC, Jean Bartik tiếp tục làm việc trên các thế hệ máy sau này như BINAC, UNIVAC và dành phần lớn thời gian sự nghiệp của mình tại các công ty công nghệ với vị trí là chuyên gia viết tài liệu kỹ thuật, nhà quản lý, kỹ sư hay lập trình viên. Bà mất vào ngày 23/03/2011, thọ 86 tuổi.

7. Margaret Hamilton

Margaret Hamilton

Margaret Heafield Hamilton (sinh ngày 17/08/1936) là một nhà khoa học máy tính, kỹ sư hệ thống và chủ doanh nghiệp người Mỹ. Bà còn được mệnh danh là Bộ óc siêu đẳng đằng sau sự phát triển của Apollo. Margaret Hamilton là giám đốc bộ phận Công nghệ Phần mềm của Phòng thí nghiệm khoa học ứng dụng MIT, nơi đã phát triển phần mềm điều khiển bay cho chương trình Apollo - dự án đưa con người lên Mặt Trăng và đưa các phi hành gia trở về Trái Đất an toàn. Nhóm của bà chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng phần mềm điều khiển bay của Apollo và thực hiện nhiệm vụ của Skylab. Dựa trên những gì đã trải nghiệm ở Apollo, sau này Hamilton đã phát triển ngôn ngữ lập trình Universal Systems Language dựa trên biến hệ của Development Before the Fact (DBTF). Bà là người đặt ra thuật ngữ “kỹ thuật phần mềm” (software engineering). Margaret Hamilton đoạt giải thưởng Lovelace Augusta Ada vào năm 1986 và giành Giải thưởng hoạt động trong không gian đặc biệt của NASA năm 2003.

8. Shafi Goldwasser

Shafi Goldwasser

Shafrira Goldwasser (sinh năm 1958) là một nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Israel. Bà có đóng góp to lớn trong các lĩnh vực về lý thuyết tính toán phức tạp, lý thuyết số và mật mã học. Shafi Goldwasser còn là người đã thiết lập và đạt được tiêu chuẩn vàng về bảo mật cho mã hóa dữ liệu bằng khái niệm Mật mã xác suất (Probabilistic Encryption). Bà còn phát minh ra khái niệm Chứng minh không tiết lộ thông tin (Zero-Knowledge Proofs) - một công cụ chính trong thiết kế các giao thức mật mã.

9. Adele Goldberg

Adele Goldberg

Adele Goldberg (sinh ngày 07/07/1945) là một nhà khoa học máy tính đã tham gia phát triển ngôn ngữ lập trình Smalltalk-80 và các khái niệm khác nhau liên quan đến lập trình hướng đối tượng. Trong những năm 1970, Goldberg là nhà nghiên cứu của Xerox. Bà và các đồng nghiệp của mình (đều là nam giới) đã xây dựng ngôn ngữ lập trình Smalltalk-80 và thiết kế "Giao diện đồ hoạ người dùng" (GUI). Bà cũng đóng góp vào các mẫu thiết kế được sử dụng rộng rãi trong thiết kế phần mềm.

Steve Jobs - cố CEO của Apple sau khi xem Goldberg trình diễn Smalltalk và GUI đã hình thành nên ý tưởng tạo ra chiếc máy tính để bàn.

10. Radia Perlman

Radia Perlman

Radia Joy Perlman (sinh ngày 01/01/1951) là một lập trình viên máy tính và kỹ sư mạng người Mỹ. Bà nổi tiếng với việc phát minh ra giao thức Spanning Tree (STP – Spanning Tree Protocol) - là nền tảng cho hoạt động của Network Bridge. Bà cũng có những đóng góp lớn cho nhiều lĩnh vực khác về thiết kế và tiêu chuẩn hóa mạng như Giao thức định tuyến trạng thái liên kết (Link-state routing protocol). Radia Perlman còn được mệnh danh là "mother of the internet".

Có thể thấy, ngành lập trình không phân biết giới tính nam hay nữ, chỉ phân biệt tính cách dám thử thách hay không. Dù còn nhiều khó khăn, song phụ nữ vẫn đang từng ngày chứng minh chỗ đứng không thể thay thế của mình qua năng lực và khả năng của bản thân trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Chắc chắn rằng qua Top 10 "bóng hồng" tài giỏi xinh đẹp này, bạn hẳn phải đồng ý rằng phụ nữ chẳng hề thua kém các đấng mày râu đúng không?

Thứ Năm, 22/08/2019 10:59
511 👨 1.983
0 Bình luận
Sắp xếp theo