Không dễ thu phí tải nhạc trực tuyến?

Từ 1/11, các website âm nhạc trong nước bao gồm Zing, Nhaccuatui, Socbay, Nhac.vui, Nghenhac sẽ đồng loạt thu phí. Tuy nhiên, những website này có thể đứng trước nguy cơ mất người dùng vì một số website tải nhạc đã ký hợp đồng trực tiếp với ca sĩ, nhạc sĩ và được quyền cho người dùng tải miễn phí.

Mức phí dự kiến là 1.000 đồng/1 lần tải nhạc hoặc thu theo thuê bao hàng tháng, có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo tình hình thực tế khi chương trình vận hành. Với số tiền bản quyền thu được, sau khi trừ đi các chi phí, đơn vị phân phối và các website sẽ được hưởng 45%; 55% còn lại sẽ trả về cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm....). Dự kiến, việc chi trả dự kiến được thực hiện theo từng quý. Tuy nhiên, việc nghe nhạc trực tuyến vẫn hoàn toàn miễn phí.

Không dễ thu phí tải nhạc trực tuyến?

Thông tin trên được đưa ra tại chương trình “Tọa đàm Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và Giải pháp” vừa diễn ra sáng 15/8 tại TP.HCM với sự tham gia của đại diện Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Tập đoàn MV (MVCorp), Cục Bản quyền - Bộ VH-TT&DL, cùng đại diện 5 website nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội ghi âm Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới vì nắm chắc phần thua lỗ.

Để chấm dứt tình trạng vi phạm bản quyền này, đã đến lúc các websites và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động cần đồng loạt thu phí tải nhạc. Trên cơ sở đó, tại buổi tọa đàm trên đã diễn ra lễ ký kết “Chuyển giao độc quyền sử dụng các bản ghi âm” giữa RIAV và MVCorp; Lễ ký “Thỏa thuận hợp tác” giữa MVCorp và các website âm nhạc lớn.

Riêng với những nhạc phẩm quốc tế, đại diện một trang nhạc lớn cho hay, họ đang thương lượng bản quyền với Sony Music và Universal để có thể thu phí tải nhạc quốc tế của người dùng trong nước cùng vào thời điểm đầu tháng 11 tới.

Với sự hỗ trợ của Thông tư liên tịch số 07 của Bộ TT&TT và Bộ VH-TT&DL (có hiệu lực từ 06/08/2012), những đơn vị sản xuất và phân phối âm nhạc trực tuyến tin tưởng vào khả năng ngăn chặn các dịch vụ nhạc trực tuyến vi phạm bản quyền.

Một số ý kiến cho rằng, hiện mới có 5 trang web âm nhạc lớn (Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui, Socbay, Nghenhac) ký kết với MV Corp để thu phí tải nhạc trên tổng số gần 20 website đã thực hiện quyền nghĩa vụ bản quyền tác giả.

Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là những website còn lại đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả nhưng chưa thực hiện quyền ghi âm và cho phép người dùng tải miễn phí như nhacso.net. yeucahat.com, clip.vn, baamboo.com, music.soha.vn, tamtay.vn, chacha.vn...có chịu tác động gì bởi hợp đồng “Chuyển giao độc quyền sử dụng các bản ghi âm” giữa RIAV và MVCorp hay không và ở mức độ như thế nào? Bởi vì trước đây, những trang web đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả có thể chia sẻ, tải về ca khúc trên đó mà không hề vi phạm quy định pháp luật.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền cho biết, ở các nước khác trên thế giới, một bản nhạc sẽ chịu cả quyền tác giả, quyền ghi âm và quyền biểu diễn. Do đó, nếu 1 website chỉ đóng 1 trong các quyền trên là chưa đủ. Mặc dù vậy, đơn vị ở Việt Nam như VMG đã ký hợp đồng trực tiếp với ca sĩ, nhạc sĩ để sử dụng những tác phẩm của họ thì sẽ không chịu tác động của hợp đồng giữa RIAV và MV Corp, họ hoàn toàn có thể cho phép tải nhạc về miễn phí. Khi đó, câu chuyện thu phí không thể thực hiện được một cách toàn diện và 5 website trên có thể sẽ bị mất người dùng.

Thứ Năm, 16/08/2012 08:00
31 👨 192
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp