Theo các nhà khoa học tại NASA, gió Mặt Trời đã từng tước đi khí quyển của sao Hỏa. Vì vậy, họ muốn tạo ra khí quyển nhân tạo cho sao Hỏa để che chắn nó khỏi ảnh hưởng của gió Mặt Trời khiến hành tinh này có thể nuôi dưỡng sự sống và trở thành "ngôi nhà" tương lai của con người.
Các nhà khoa học tin rằng, trước khi trở thành hành tinh hoang tàn, khô cằn và lạnh lẽo như hiện nay, sao Hỏa từng có một khí quyển dày và có thể duy trì được một đại dương đầy sự sống. Và nhờ khí quyển đó, có thể sao Hỏa có khí hậu ấm hơn và có thể đã là một hành tinh có sự sống tồn tại.
Nhưng khoảng nhiều tỷ năm trước, khi sao Hỏa mất đi từ trường bảo vệ của mình, gió Mặt Trời đã xóa sổ hoàn toàn khí quyển sao Hỏa, tước đi sự sống trên hành tinh này.
Hàng tỷ năm trước, gió Mặt Trời đã tước đi khí quyển và có thể là sự sống trên sao Hỏa.
Các nhà khoa học tại NASA mới đây đã đưa ra ý tưởng về việc biến sao Hỏa thành một hành tinh đầy sự sống một lần nữa thông qua một chương trình giả lập. Họ sử dụng một lá chắn từ trường đủ mạnh để có thể thay thế quyển từ đã từng tồn tại quanh sao Hỏa. Từ đó, cho phép hành tinh này có thể tái tạo lại khí quyển của mình và tạo điều kiện cho sự sống nảy mầm.
Trong báo cáo của mình, giám đốc Ban Khoa học Hành tinh tại NASA, Jim Green viết: "Từ trường này sẽ loại bỏ những hiệu ứng của gió Mặt Trời trên tầng điện ly của sao Hỏa, cho phép khí quyển trên hành tinh này dần tăng áp suất và nhiệt độ theo thời gian".
Mặc dù đội ngũ nghiên cứu thừa nhận rằng kế hoạch này rất khó khả thi, nhưng họ tin rằng những nghiên cứu có sẵn về cách thức bảo vệ phi hành gia và các con tàu vũ trụ khỏi phóng xạ vũ trụ có thể biến chuyển thành một quy mô lớn hơn, thậm chí có thể bao phủ được cả một hành tinh, trong trường hợp này là sao Hỏa.
Ông Green nói: "Chúng ta cần phải điều hướng từ trường để nó luôn đẩy gió Mặt Trời ra xa". Trong hệ thống mô phỏng của mình, các nhà khoa cho thấy rằng nếu như gió Mặt Trời bị tác động ngược lại bởi lá chắn từ trường, khí quyển sao Hỏa sẽ được bảo tồn và sẽ dần dần bằng được một nửa áp suất khí hậu trên Trái Đất chỉ sau khoảng vài năm.
Khí hậu sao Hỏa sẽ ấm hơn khoảng 4 độ C nếu khí quyển ở đây trở nên dày hơn. Điều này đủ nhiều để làm tan chảy băng carbon dioxide nằm trên cực Bắc của hành tinh Đỏ. Khi đó, lượng khí carbon thoát ra sẽ giữ nhiệt lại tại trên sao Hỏa, giống như cách mà khí carbon giữ nhiệt lại trên Trái Đất, gây nên hiệu ứng khí nhà kính. Nếu điều này xảy ra, băng trên sao Hỏa tan chảy, tạo nên nước, sông hồ và đại dương trên hành tinh này.
Đây là phương pháp giúp khí hậu trên sao Hỏa hình thành một cách tự nhiên chứ không phải là nhân tạo dựa trên các kiến thức vật lý mà con người đã biết.
Hiện, các nhà khoa học đang nghiên cứu và tính toán rõ ràng hơn tỉ lệ thành công và thời gian ước tính để có thể thực hiện những hiệu ứng khí hậu thực sự trên Sao Hỏa.
Nếu kế hoạch này có thể thực hiện và thành công thì viễn cảnh về môt hành tinh có thể sống được ngay trong hệ Mặt Trời này của con người sẽ không còn xa nữa.