Liệu có tồn tại sự sống ngoài Trái đất hay không luôn là bí ẩn bất tận trong giới thiên văn học. Các hoạt động tìm kiếm, thu thập manh mối về sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh đã diễn ra trong nhiều năm qua, và được dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, song hành với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, mà nổi bật trong số đó là trí tuệ nhân tạo (AI).
ExoMars hiện đang là một trong những sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất (Sao Hỏa) được NASA trú trọng hàng đầu, và triển vọng của dự án này càng được nâng cao khi cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh áp dụng AI vào hệ thống hỗ trợ tìm kiếm mục tiêu, mà cụ thể ở đây là quét hình ảnh thu được về đất đá, vật chất trên Hành tinh Đỏ, sau đó tiến hành phân tích để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.
Các nhà khoa học tin rằng việc sử dụng AI để phân tích trực tiếp dữ liệu mà robot thám hiểm thu được, sau đó sàng lọc và chỉ gửi về Trái đất thông tin có giá trị sẽ giúp vượt qua những thách thức trong việc truyền tải dữ liệu giữa các hành tinh, cũng như cải thiện mức độ chính xác trong dữ liệu thu được.
Nói về kế hoạch ứng dụng AI trong phân tích dữ liệu ngay tại môi trường thực địa, Eric Lyness, kỹ sư trưởng phụ trách mảng phần mềm thuộc Phòng thí nghiệm môi trường hành tinh tại Trung tâm không gian Goddard của NASA (GSFC), cho biết:
“Việc gửi dữ liệu thu được từ các hành tinh về Trái đất nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế đây là quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí. Điều này khiến các nhà khoa học không thể thực hiện nhiều thí nghiệm hoặc phân tích bao nhiêu mẫu tùy thích. Ngoài ra, áp lực về lượng dữ liệu quá lớn phải phân tính cũng là vấn đề. Bằng cách sử dụng AI để đảm nhận khâu phân tích ban đầu khi dữ liệu vừa được thu thập ở thực địa trước khi gửi trở lại Trái đất, NASA có thể tối ưu hóa giá trị của dữ liệu gửi về các trung tâm phân tích mặt đất, điều này làm tăng đáng kể giá trị khoa học của các sứ mệnh không gian cũng như giảm bớt gánh nặng lên các nhà khoa học”.
Hệ thống AI của NASA hiện đã được đào tạo để phân tích hàng trăm mẫu đá và hàng ngàn bước sóng bức xạ điện từ tương tự như trên môi trường sao Hỏa.
Tại hội nghị hóa học Goldschmidt vừa diễn ra, các nhà khoa học NASA đã tiết lộ kết quả đầu tiên của hệ thống. Khi thuật toán xử lý phổ từ một hợp chất không xác định, nó có thể phân loại từng nguyên tố riêng biệt với độ chính xác lên tới 94%, và trùng khớp với các mẫu đã phân tích trước đó với độ chính xác đạt 87%. Trong thời gian tới, NASA sẽ tiếp tục thực hiện một số tinh chỉnh cần thiết đối với thuật toán trước khi chính thức áp dụng nó vào sứ mệnh ExoMars dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2023.