Các website theo dõi chuyến bay đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, chúng có sự chênh lệch nhất định, kể cả đối với website của hãng bay. Nguyên nhân là do các trang này sử dụng công nghệ radar cũ, độ chính xác không cao và nguồn dữ liệu không được cập nhật theo thời gian thực.
Ví dụ, một chuyến bay trên website có thể ở trạng thái "Đã khởi hành", nhưng thực tế do phải xếp hàng đợi bay nên nó vẫn đang đứng yên dưới mặt đất.
Nhưng một số website như Flightradar24, FlightAware, Planefinder... có thể theo dõi chuyến bay theo thời gian thực do nhận dữ liệu trực tiếp từ máy bay nhờ sử dụng hệ thống giám sát độc lập Automatic Dependent Surveillance-Broadcast, tức ADS-B, hiện có trên hầu hết các máy bay hiện đại.
Hệ thống ADS-B cho phép phi công nhận thông tin cập nhật thời tiết và địa hình thời gian thực đồng thời gửi các thông tin của chuyến bay gồm vị trí, tốc độ, độ cao, model máy bay và số hiệu chuyến bay thông qua GPS từ vệ tinh về mặt đất.
Ban đầu, ADS-B được thiết kế với mục đích giúp các nhân viên điều phối xác định vị trí của máy bay với độ chính xác cao đồng thời hỗ trợ phi công có thể xác định được tình hình các máy bay đang bay. Ngoài ra, ADS-B cũng truyền đi mã phản hồi - thông tin về tình trạng của máy bay được mã hóa. Ví dụ như 7700 trong trường hợp khẩn cấp hoặc 7500 trong trường hợp bị tấn công. Dữ liệu sẽ được gửi từ máy bay xuống mặt đất 5 giây 1 lần.
Tại mặt đất, một hệ thống khác sẽ tiếp nhận các dữ liệu trên ở tần số 1.090 MHz với tốc độ khoảng một Mb/giây thông qua sóng vô tuyến không mã hóa. Hệ thống này gồm các cột thu sóng và hộp giải mã RTL-SDR có nhiệm vụ phân tích và xác định máy bay đang ở đâu.
Do dữ liệu truyền về không được mã hóa, nên bất cứ người ai chỉ cần am hiểu một chút về sóng radio để dò sóng có dải tần 1.090 MHz và lắp ráp máy thu vô tuyến đơn giản là có thể theo dõi máy bay đang hoạt động.
Đơn giản hơn, người ta chỉ cần mua thiết bị thu ADS-B với giá 10-20 USD trên các trang thương mại điện tử về, cài đặt trình điều khiển và kết nối với máy tính là được. Lúc này họ có thể trở thành tình nguyện viên thu thập dữ liệu chuyến bay cho các website theo dõi máy bay.
Hiện tại, Flightradar24 sở hữu hơn 25.000 trạm thu ADS-B trên thế giới, được đặt ở các đỉnh tháp hoặc nóc nhà của các tình nguyện viên. Mỗi tuần, công ty này gửi đi hàng chục hộp thu tín hiệu, ăng-ten và dây cáp cho tình nguyện viên. Dữ liệu từ các trạm thu này được truyền đến máy chủ của các website theo thời gian thực. DDộ bao phủ của trạm trong bán kính tới 250-450 km nên nếu trong trường hợp một trạm mất kết nối Internet, trạm khác sẽ bổ sung thông tin bù vào. Vì vậy, xác định vị trí máy bay của website này có độ chính xác rất cao.
ADS-B được xem là công nghệ theo dõi máy bay mới, có thể kết hợp với các công nghệ theo dõi chuyến bay khác như hệ thống giám sát đa điểm (Multilateration – MLAT) để tăng độ chính xác. ADS-B có thể thay thế cho hệ thống radar hiện có mà các trạm kiểm soát không lưu (ATC) đang sử dụng.
Các dịch vụ hỗ trợ theo dõi chuyến bay nổi tiếng
Flightradar24: Hai chuyên gia hàng không người Thụy Điển đã thành lập Flightradar24 từ năm 2006. Hệ thống có cả giao diện web, iOS và Android. Bản thu phí của Flightradar24 có giá từ 1,49 USD tới 3,99 USD.
FlightAware: Đây là dịch vụ đầu tiên cung cấp miễn phí việc theo dõi chuyến bay với hơn 10.000 máy thu đang hoạt động. Bản tính phí của ứng dụng có giá từ 20 USD.
Planefinder: Dịch vụ này cung cấp nhiều tính năng hơn so với 2 nền tảng trên. Ngoài bản miễn phí, ứng dụng cũng có bản thu phí với giá từ 5,99 USD.