Vào sáng sớm ngày 15/6/2022, một chiếc máy bay không người lái hạng nhẹ sử dụng năng lượng mặt trời do Airbus sản xuất đã cất cánh từ đường băng ở bãi Yuma Proving Ground của Arizona với sự trợ giúp của một nhóm kỹ thuật viên. Cho tới nay, chiếc máy bay này vẫn đang còn bay dù hơn 40 ngày đã trôi qua. Nó vẫn sẽ tiếp tục bay cho đến khi không thể bay nữa.
Chiếc máy bay này có tên là Zephyr, được thiết kế để bay trong tầng bình lưu. Nó có sải cánh dài 25 m, có khối lượng nhẹ hơn 75 kg. Nhu cầu sử dụng điện năng của chiếc máy bay này rất ít, chỉ tương đương với năng lượng cần cho một bóng đèn bình thường.
Zephyr dùng để làm gì?
Zephyr cũng như các loại máy bay không người lái khác có thể bay cao hơn 18km, thời gian bay lâu có thể được sử dụng trong quân đội với các nhiệm vụ tình báo, giám sát, và trinh sát. Ngoài ra, những chiếc máy bay này cũng có thể được dùng trong các ngành khai thác dầu khí, đo đạc địa đồ, quản lý đất đai, giám sát cháy rừng và giám sát mùa màng.
Vào năm 2010, Zephyr đã từng bay 2 tuần trên bầu trời, và vào năm 2018 là 26 ngày. Hiện nay, Zephyr đã được nâng cấp bên trong, phần mềm đã được cải tiến để bay lâu hơn. Năm 2021, chiếc máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời này cũng đã thực hiện hai chuyến bay, mỗi chuyến dài khoảng 18 ngày.
Chuyến bay đầu tiên của Zephyr trong năm 2022 hiện vẫn chưa kết thúc. Hiện nó vẫn đang bay trên bầu trời để chứng minh khả năng lưu trữ năng lượng, độ bền của pin, tính hiệu quả của tấm pin năng lượng mặt trời.