Ca hát, nhảy múa là một trong những phương thức giải trí, chia sẻ cảm xúc... phổ biến, được yêu thích nhất trên thế giới. Nhưng ít người biết rằng, hoạt động giải trí phổ biến tưởng chừng như vô hại này đã từng gây ra một sự kiện đau thương đầy bí ẩn trong lịch sử, thách đố các nhà khoa học trong suốt nửa thế kỷ qua.
- Người phụ nữ có "máu độc" và hồ sơ y khoa bí ẩn nhất trong lịch sử nước Mỹ
- Bí ẩn người đàn ông cùng xuất hiện trong giấc mơ của 2000 người
Sự việc bắt đầu vào tháng 7/1518, khi một người phụ nữ tên Frau Troffer (còn gọi là Troffea) ở Alsace, Pháp bỗng dưng nhảy múa một cách điên loạn trên đường phố. Điều kỳ lạ là cô ta với khuôn mặt tỏ rõ sự khó chịu, đau đớn vẫn nhảy liên tục không nghỉ trong suốt 5 ngày liền.
Hành động đó của Troffea đã thu hút được chú ý của nhiều người, sang ngày thứ 6 có 34 người khác đã thử tham gia điệu nhảy kì lạ không chủ đích của Troffea. Cũng giống như Trofea, phần lớn trong số họ cũng nhảy múa ngây dại và không tự kiểm soát được bản thân. Thậm chí, họ còn vừa nhảy múa vừa di chuyển khắp mọi ngõ ngách trên đường phố và kéo theo rất nhiều người đã gia nhập vào vũ điệu kỳ quái này.
Khi đó, số người tham gia nhảy múa đã lên tới 400 người, đa số là phụ nữ. Họ không ăn, không uống, không ngủ nghỉ mà chỉ mải mê nhảy múa, hò hét trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng liên tục. Cho dù có những người bị chết do kiệt sức, đau tim hay đột quỵ ngay khi đang nhảy múa trên đường phố thì đoàn người nhảy múa vẫn tiếp tục. Số người chết cũng như số người mới tham gia vào đoàn người kỳ lạ này ngày càng tăng cao mà không có cách nào để ngăn họ lại. Không khí sợ hãi bao trùm cả thành phố.
Quá sợ hãi và tuyệt vọng, những người "bình thường" trong thành phố đã cùng nhau lên đỉnh đồi cầu nguyện và cầu xin Chúa trời giúp đỡ. Thật kì diệu, "cơn đại dịch" đã biến mất.
Nhưng nguyên nhân gây ra "vũ điệu cuồng loạn" vào thời điểm đó vẫn là bí ẩn với con người đến tận ngày nay. Không một ai có thể biết chính xác điều gì có thể khiến một lượng lớn người dân nhảy múa liên tục suốt ngày đêm bất chấp tính mạng.
Rất nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra để giải thích hiện tượng này.
Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng chứng "máu trong cơ thể nóng lên" chính là nguyên nhân gây ra sự "vũ điệu cuồng loạn" đó. Biện pháp duy nhất để chữa trị hội chứng đó là nhảy múa tới khi không thể nhảy được nữa.
Một số nhà lịch sử học lại cho rằng nạn đói và dịch bệnh hoành hành khắp Alsace vào năm 1518 đã khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào cảnh khốn khổ, thiếu thốn, cái chết luôn rình rập bên cạnh khiến họ bị căng thẳng, bị kích động và gây ra hiện tượng "Sự cuồng loạn đại chúng". Sự kích động này nhanh chóng lây lan khắp Alsace.
Những người có tín ngưỡng lại tin rằng vì một lý do nào đó mà những người mắc bệnh phải chịu sự trừng phạt của thánh Vitus. Họ nghe được thứ âm nhạc mà người khác không thể nghe thấy, mất kiểm soát và nhảy múa điên loạn.
Một giả thuyết khác lại cho rằng những người mắc bệnh đã ăn phải một loại nấm gây ra ảo giác mọc trên ngũ cốc. Nếu một người tiêu thụ một số lượng vừa đủ, họ sẽ thấy ảo giác và bắt đầu gây ra những hành vi bất thường.
Từ năm 1518 đến nay, hiện tượng bí ẩn về điệu nhảy kì dị không còn xuất hiện một lần nào nữa.
Thực ra, ngày nay có một căn bệnh gọi là "Hội chứng múa giật Sydenham", hay "hội chứng múa giật nhiễm khuẩn" có biểu hiện khá giống với những người mắc bệnh năm đó. Người bệnh thường sẽ bị co giật tay, chân và mặt khi nhảy múa, đặc biệt bệnh này thường xảy ra với những người bị sốt do thấp khớp. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định rằng những bệnh nhân năm 1518 có phải mắc căn bệnh này không.