Tàu đổ bộ của nhiệm vụ Hằng Nga 6 đã cắm lá quốc kỳ Trung Quốc được chế tạo đặc biệt lên Mặt Trăng. Đây chính là quốc kỳ đầu tiên trên thế giới được giương lên ở phía xa của Mặt Trăng.
Lá cờ do Đại học Dệt may Vũ Hán và Tập đoàn Vũ trụ Trung Quốc Sanjiang hợp tác phát triển. Sau 4 năm nghiên cứu, Xu Weilin, học giả tại Viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE), hiệu trưởng Đại học Dệt may Vũ Hán và các cộng sự đã phát triển thành công "phiên bản bằng đá" chất lượng cao của quốc kỳ vải đảm bảo bền và màu sắc không phai.
Lá cờ được chế tạo từ loại sợi bazan, loại sợi vô cơ, cách nhiệt và chống bức xạ rất tốt, nên có thể chịu được môi trường khắc nghiệt trên Mặt Trăng. Nhưng sợi bazan giòn và dễ gãy khiến cho công đoạn kéo sợi và dệt gặp khó khăn.
Lá cờ của tàu Hằng Nga 6 có kích thước khoảng 30 cm x 20 cm, tương đương tờ giấy A4, cùng kích thước với lá cờ trong nhiệm vụ Hằng Nga 5 cắm ở phía gần của Mặt Trăng. Nhóm phát triển đã sản xuất thành công sợi bazan siêu mảnh với đường kính bằng khoảng 1/3 sợi tóc người giúp cho lá cờ Hằng Nga 6 nhẹ hơn 0,5 gram so với cờ Hằng Nga 5.
Sợi bazan là vật liệu nhẹ và linh hoạt nên sẽ được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Nhóm của Xu đã bắt đầu nghiên cứu cách tận dụng tối đa khả năng của bazan siêu mảnh để chống chọi với các điều kiện môi trường đặc biệt như những việc đòi hỏi khả năng chịu nhiệt và chống cháy, chẳng hạn làm quần áo và túi bảo hộ… Sợi bazan có giá 25.000 nhân dân tệ (3.450 USD) mỗi tấn, thấp hơn nhiều so với sợi thạch anh và sợi carbon nên sẽ giúp giảm chi phí.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cắm cờ trên vùng tối Mặt Trăng
Sau khi tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh bên trong một trong những miệng núi lửa lâu đời nhất trên bề mặt Mặt Trăng vào Chủ nhật (2/6). Sau khi thu thập thành công các mẫu ở đây về Trái Đất, “một lá cờ quốc gia Trung Quốc do tàu đổ bộ mang theo đã được treo lần đầu tiên ở phía xa của Mặt Trăng”.
Phía xa của Mặt Trăng, còn được gọi là Vùng tối Mặt Trăng vì nó không thể nhìn thấy được từ Trái Đất. Việc mang những mẫu vật tại đây về Trái đất được cho là mang lại những cơ hội mới cho nghiên cứu.
Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cắm cờ lên Vùng tối Mặt Trăng, đồng thời đưa mẫu vật ở đây về Trái Đất.
Hiện tại, tàu thăm dò Thường Nga-6 không người lái của Trung Quốc cùng với những mẫu vật đầu tiên từ phía xa của Mặt Trăng, đang trên đường trở về Trái Đất. Đây là một thành tựu lớn đối với chương trình không gian của quốc gia tỷ dân này.
Hiện tại, chỉ có Mỹ và Nga thu hồi được các mẫu từ Mặt Trăng, hạ cánh rồi lại cất cánh. Việc Trung Quốc cất cánh từ Mặt Trăng là một thành tựu kỹ thuật, thể hiện năng lực ấn tượng trong chương trình không gian của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết các mẫu do tàu thăm dò mang về có thể cung cấp những thông tin giúp họ tìm hiểu về sự hình thành và tiến hóa của Mặt Trăng và hệ Mặt Trời, nguyên nhân của sự khác nhau giữa các mặt gần và xa của Mặt Trăng và cung cấp manh mối về cách Trái Đất hình thành cũng như để duy trì sự sống.
Các nhà khoa học Trung Quốc dự kiến con tàu quay trở lại Trái Đất vào khoảng ngày 25 tháng 6, và sẽ hạ cánh ở sa mạc khu vực Nội Mông của Trung Quốc.