Trầm cảm sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng tránh

Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng.

Nguyên nhân bệnh trầm cảm sau sinh

  • Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
  • Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
  • Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.
  • Khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.
  • Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh cao.

Nguyên nhân bệnh trầm cảm sau sinh

Những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh

Những người có tiền sử trầm cảm sau sinh thường có nguy cơ tái phát đến 50%. Hoặc những người có tiền sử trầm cảm trong lúc mang thai cũng có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh (25%). Những người dừng uống thuốc trầm cảm lúc mang thai có thể rơi lại vào trạng thái trầm cảm đến 85%, còn nếu tiếp tục dùng thúc thì chỉ còn 25% tái phát. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mẹ và bé.

  • Tuổi < 18.
  • Những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp.
  • Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng.
  • Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng.
  • Thai kỳ không mong muốn.
  • Biến chứng thai kỳ: thai lưu, sẩy thai.
  • Trầm cảm dễ xuất hiện ở người con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ.

Dấu hiệu nhận biết sớm chứng trầm cảm sau sinh

1. Hay lo lắng và sợ hãi

Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường xuyên cảm thấy lo lắng, hoảng hốt với những tình huống xảy ra xung quanh, dù cho đó là những sự việc hoàn toàn bình thường. Họ đôi khi cũng cảm thấy cơ thể đau đớn hoặc mệt mỏi mà không tìm được nguyên nhân chính xác. Thi thoảng, những bà mẹ này lại mất bình tĩnh và không kiểm soát được cảm xúc của mình. Điều này càng khiến cho họ càng thêm stress.

Dấu hiệu nhận biết sớm chứng trầm cảm sau sinh

2. Khó ngủ

Hầu hết các bà mẹ không có được giấc ngủ đêm hoàn chỉnh khi mới sinh con. Tuy vậy, các bệnh nhân trầm cảm còn khó khăn hơn, họ không thể ngủ được ngay cả khi con đã ngủ. Sự thiếu ngủ trầm trọng không chỉ dẫn tới việc mất khả năng tập trung vào các công việc hàng ngày mà còn tạo ra những bất an về mặt tâm lý.

3. Luôn luôn cảm thấy chán nản

Trong một vài tuần sau khi sinh, việc một bà mẹ rơi nước mắt và căng thẳng, buồn bã (còn gọi là "baby blues") là điều hoàn toàn bình thường. Tuy vậy, nếu câu chuyện này kéo dài hơn, chắc chắn bà mẹ này đã rơi vào trạng thái trầm cảm.

4. Có những suy nghĩ làm tổn thương con hoặc chính bản thân mình

Khi rơi vào trầm cảm sau sinh, một số bà mẹ bỗng dưng có suy nghĩ: "Nếu tôi bỏ em bé trong bồn tắm thì thế nào nhỉ? – chuyên gia tâm lý Kurzman cho biết. Đương nhiên đa phần các bà mẹ sẽ không thực hiện hành động đó, tuy vậy họ vẫn thấy xấu hổ và ám ảnh về suy nghĩ của mình. Điều quan trọng là, khi suy nghĩ này xuất hiện, bạn phải đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều này có ích cho sự an toàn của bạn và của con.

Làm sao tránh trầm cảm sau sinh?

Vai trò của người thân

Có thể nói, trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. Rất nhiều ông chồng nghĩ rằng, chỉ cần cung cấp vật chất cho vợ là đủ mà không hề nhận thức được sự quan tâm, chia sẻ bằng hành động và lời nói động viên có thể giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm. Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân... cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Phòng tránh chứng trầm cảm sau sinh

Động viên, gần gũi và chia sẻ với thai phụ về cuộc chuyển dạ và chăm sóc bé sau sinh. Hướng dẫn thai phụ về việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Bản thân người mẹ

Cố gắng tìm cho mình một giấc ngủ. Gắng đi ngủ sớm hơn nếu bạn phải thức dậy nửa đêm cho bé bú. Nên ngủ buổi trưa dù chỉ 30 phút.

Nói chuyện và chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý để trút bỏ những cảm giác mệt mỏi trong người. Nên hỏi bạn bè và gia đình về kinh nghiệm chăm sóc em bé của họ.

Sống tích cực, suy nghĩ lạc quan, đừng để những điều buồn chán làm ảnh hưởng đến tâm lý của bạn. Hãy nhớ rằng bạn luôn là người mẹ tốt nhất cho con của mình, đừng bao giờ so sánh mình hay con mình với người khác, đừng để áp lực đè nặng lên đôi vai của bạn.

Thứ Tư, 14/06/2017 15:42
51 👨 401
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Sức khỏe gia đình