Ngôi sao cô đơn phát sáng lấp lánh trên nền một thiên hà vô định hình trong con mắt của kính thiên văn Hubble

Đến hẹn lại lên, thêm một bức ảnh ấn tượng nữa vừa được Kính viễn vọng Không gian Hubble gửi về Trái đất tuần này, bao gồm hai lần phơi sáng hợp nhất khác nhau, cho thấy khoảnh khắc ấn tượng của ngôi sao BD+17 2217 tỏa sáng trên nền thiên hà vô định hình Arp 263.

Thiên hà vô định hình là một thiên hà không có hình dạng nhất định, không giống như các thiên hà hình elip hoặc thiên hà xoắn ốc như Dải Ngân hà của chúng ta. nào Chúng cũng không rơi vào bất kỳ các phân lớp phân loại hình thái của thiên hà thông thường, và thường hỗn loạn khi xuất hiện.

Arp 263 (còn được gọi là NGC 3239) là một thiên hà vô định điển hình. Nó hiện lên với một vẻ bề ngoài “loang lổ” với những đám mây bụi khí khổng lồ đan xen cùng vô số vùng phát sáng rực rỡ do quá trình hình thành sao đang diễn ra mạnh mẽ, trong khi các khu vực khác gần như trống rỗng. Những thiên hà dạng này thường được hình thành do sự tương tác với các thiên hà khác, có thể xảy ra khi một thiên hà lớn đi ngang qua một thiên hạ nhỏ hơn và làm biến dạng nó. Một số các thiên hà vô định hình là thiên hà xoắn ốc nhỏ bị biến dạng bởi lực hấp dẫn của thiên hà láng giềng lớn hơn.

Trong trường hợp của Arp 263, các nhà khoa học cho rằng hình dạng bất thường này là kết quả sau một quá trình hai thiên hà hợp nhất. Thiên hà này nằm cách chúng ta khoảng 25 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Leo.

Điều bất thường về hình ảnh trên là cách thức nó được tạo ra và hiệu ứng có trên các gai nhiễu xạ đặc biệt đến từ các vật thể sáng. Những gai sáng này là do cấu trúc hình học của gương mà Hubble sử dụng để quan sát các vật thể ở xa gây ra. Những hình ảnh điển hình được chụp bởi kính thiên văn Hubble thường có bốn gai nhiễu xạ (so với sáu gai nhiễu xạ nổi bật được thấy trong các hình ảnh từ Kính viễn vọng Không gian James Webb), nhưng trong trường hợp này, bạn có thể thấy tám gai nhiễu xạ từ các vật thể sáng nhất. Đây có thể là do hai bộ dữ liệu đã được kết hợp để tạo ra hình ảnh, mỗi bộ được chụp ở một góc độ khác nhau, vì vậy bạn sẽ thấy số lượng gai nhiễu xạ tăng gấp đôi.

Ngôi sao tiền cảnh lồng vào nhau, BD+17 2217, được tô điểm bằng hai bộ gai nhiễu xạ đan chéo. Sự tương tác của ánh sáng với cấu trúc bên trong của Hubble có nghĩa là các vật thể sáng tập trung, chẳng hạn như những ngôi sao, được bao quanh bởi bốn gai sáng nổi bật. Tất cả góp phần tạo nên một bức ảnh tuyệt đẹp về vũ trụ.

Thứ Bảy, 29/07/2023 10:10
22 👨 220
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ