Ngôi sao này đã “xé nhỏ” người bạn đồng hành để tạo ra một tinh vân tuyệt đẹp hiếm gặp

Không quá khi nói rằng tinh vân là một trong những cấu trúc đẹp nhất được tìm thấy trong không gian. Chúng về cơ bản là những đám mây bụi và khí khổng lồ, hiện lên lung linh bởi nguồn sáng từ vô số các ngôi sao lân cận. Các khu vực tinh vân này thường là những địa điểm hình thành sao bận rộn, vì những ngôi sao mới được sinh ra từ những đám bụi thu thập thêm vật chất do trọng lực. Bản thân tinh vân cũng có nhiều loại khác nhau, điển hình như tinh vân phát xạ, trong đó các chất khí bị ion hóa bởi bức xạ và phát sáng rực rỡ. Hoặc tàn dư siêu tân tinh, là những cấu trúc bị bỏ lại sau khi các ngôi sao nặng kết thúc vòng đời và phát nổ.

Một hình ảnh mới được chụp gần đây bởi kính viễn vọng Gemini South của NOIRLab cho thấy một loại tinh vân cực kỳ hiếm gặp và cũng mang vẻ đẹp “ma mị” gọi là tinh vân phản xạ lưỡng cực.

Nổi bật trong bức ảnh là tinh vân IC 2220, nằm cách chúng ta 1.200 năm ánh sáng trong chòm sao Carina (Keel). Tinh vân này còn được biết đến với biệt danh Toby Jug vì hình dạng tương tự như một chiếc bình truyền thống của người Anh. Hai khu vực thùy phản xạ lưỡng cực của IC 2220 chính la hai cấu trúc vòng có nguồn gốc từ trung tâm của tinh vân, một ngôi sao khổng lồ đỏ sắp kết thúc vòng đời. Những ngôi sao có khối lượng thấp hơn như mặt trời của chúng ta sẽ đạt đến giai đoạn này khi chúng bắt đầu cạn kiệt nhiên liệu và phồng lên với kích thước lớn, trước khi giải phóng các lớp khí để tạo ra tinh vân hành tinh.

Tinh vân IC 2220 (Toby Jug)
Tinh vân IC 2220 (Toby Jug)

Trong khoảng năm tỷ năm nữa, khi đốt cháy hết nguồn cung cấp hydro, mặt trời của chúng ta cũng sẽ trở thành một sao khổng lồ đỏ và cuối cùng tiến hóa thành một tinh vân hành tinh”, các nhà nghiên cứu NOIRLab cho biết. “Trong một tương lai rất xa, tất cả những gì còn lại của hệ mặt trời của chúng ta sẽ là một tinh vân rực rỡ như Toby Jug, với mặt trời đang dần nguội đi ở trung tâm”.

Ngôi sao khổng lồ đỏ HR3126 được cho là chịu trách nhiệm một phần cho hình dạng lưỡng cực bất thường của tinh vân Toby Jug. Một giả thuyết nhận được nhiều sự đồng thuận trong giới nghiên cứu nhà thiên văn học đó là HR3126 từng có một ngôi sao đồng hành, nhưng ngôi sao này sau đó đã bị kéo ra thành một đĩa vật chất dày đặc quay quanh sao khổng lồ đỏ. Việc cắt nhỏ ngôi sao đồng hành này có thể đã thúc đẩy sự hình thành cấu trúc lưỡng cực hiếm gặp trên.

Thứ Tư, 26/07/2023 09:30
31 👨 178
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ