Tại sao càng lớn ta càng thấy thời gian trôi qua nhanh chóng mặt?

Bạn có bao giờ trải qua cảm giác chờ mãi mới đến Tết khi còn nhỏ, nhưng bây giờ khi đã trưởng thành thì quay đi quay lại đã gần hết năm rồi, thực sự "thời gian trôi qua nhanh như chó chạy ngoài đồng" vậy.

Vậy, điều gì khiến cho chúng ta cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn khi già đi?

Thời gian trôi nhanh hơn khi chúng ta già đi

Để lý giải được điều này, trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu "công thức" dòng thời gian được chuyên gia công nghệ Maximilian Kiener đưa ra dựa trên phát kiến của nhà triết học Paul Janet.

Theo đó, với một đứa trẻ 1 tuổi, một năm dài kéo dài như cả cuộc đời của chúng. Khi đứa bé lên 10 tuổi, một năm rút ngắn chỉ bằng 10% cuộc đời chúng mà thôi, các bé vẫn chờ đợi đến sinh nhật và Tết nhưng sự chờ đợi này sẽ ngắn hơn.

Cứ như vậy theo tỷ lệ này, đến năm 20 tuổi, một năm chỉ còn khoảng 5% cuộc đời và khi chúng ta 50 tuổi, thì một năm chỉ còn là 2% mà thôi.

Như vậy, chúng ta nhận thức từng khoảng thời gian khác nhau với cùng độ dài như nhau. Vì thế, sự khác biệt giữa các độ tuổi từ 5 - 10, 10 - 20, 20 - 40 và 40 - 80 là như nhau, cụ thể khoảng thời gian 5 năm bạn trải nghiệm từ lúc 5 đến 10 tuổi sẽ dài như khoảng thời gian từ khi 40 tuổi đến 80 tuổi.

Chính vì vậy, bạn sẽ cảm thấy thời gian trôi qua nhanh đến "chóng mặt" khi về già.

Dưới góc độ khoa học, tại sao càng lớn tuổi ta lại cảm thấy thời gian trôi càng nhanh?

Giả thuyết được nhiều người tin tưởng đó là sự thay đổi của đồng hồ sinh học bên trong mỗi người.

Khi ta còn bé thơ, thời gian dường như dài bất tận

Khi con người lớn lên, quá trình chuyển hóa trong cơ thể sẽ chậm lại. Trong khi đó, trẻ nhỏ có nhịp sinh học nhanh hơn khiến nhịp tim, hơi thở cũng nhanh hơn người lớn trong một khoảng thời gian cố định. Chính điều này khiến cho trẻ con có cảm giác là đã có rất nhiều việc, nhiều thứ xảy ra rồi mà vẫn chưa chưa tới sinh nhật, Tết...

Bên cạnh đó, một số người lại tin rằng, con người nhận thức thời gian trôi qua tỷ lệ thuận với lượng thông tin họ tiếp nhận được.

Với những vấn đề mới hay phức tạp, não bộ của trẻ nhỏ sẽ cần nhiều thời gian để xử lý thông tin, điều này khiến chúng cảm thấy thời gian trôi qua chậm hơn.

Khi lớn lên, mọi thứ xung quanh đã dần trở nên quen thuộc với chúng ta. Vì thế để xử lý thông tin, bộ não không cần mất quá nhiều thời gian, do đó cảm thấy thời gian trôi nhanh. Ngược lại, khi còn bé, mọi thứ xung quanh đều mới lạ, nên bộ não trẻ cần phân tích khung cảnh xung quanh, khiến cảm giác thời gian trôi đi chậm.

Dù thời gian trôi nhanh hay chậm thì một khi nó đã trôi qua chúng ta không thể lấy lại được. Vì vậy, hãy luôn sống vui vẻ, thực hiện những gì mình mong muốn để sau này không phải hối tiếc. Hãy sống một cuộc sống thật ý nghĩa bởi chắc chắn thời gian sẽ trôi nhanh hơn mỗi ngày.

Thứ Ba, 16/05/2017 13:52
4,54 👨 2.614
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học