Một tàu vũ trụ của Israel có tên Beresheet gần như đã đặt chân lên mặt trăng vào tháng 4 vừa qua. Theo lộ trình đã được lên kế hoạch, Beresheet sẽ hạ cánh trên mặt trăng và “selfie” một vài tấm trước khi quay trở về Trái Đất. Thưng thật không may, con tàu vũ trụ này đã mất liên lạc không lâu sau đó, và theo các nhà khoa học, nó đã gặp nạn và rơi xuống bề mặt mặt trăng.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có những ý kiến lo ngại, cho rằng bản thân tàu vũ trụ Beresheet có mang theo bên mình một dạng sống siêu nhỏ, được gọi là tardigrades (gấu nước). Việc Beresheet gặp nạn trên mặt trăng có thể khiến loài sinh vật đáng sợ này thoát ra ngoài và “xâm chiếm” hành tinh này.
Gấu nước - loài sinh vật sở hữu kích thước nhỏ bé nhưng có sức sống vô cùng dẻo dai
Gấu nước (tiếng Anh: Moss piglets hoặc waterbears) là tên gọi phổ biến của ngành động vật Tardigrada. Đây là loài sinh vật có kích thước cực kỳ nhỏ bé, thường sống trong nước, và nằm trong nhóm các động vật kích thước hiển vi có tám chân. Gấu nước là một nhóm sinh vật cổ xưa, đã từng tồn tại trên trái đất từ rất lâu, với hóa thạch được tìm thấy cách đây 530 triệu năm vào kỷ Cambri. Vậy tại sao loài sinh vật này lại có thể vượt qua 384.400km từ trái tất và đổ bộ lên mặt trăng? Mọi chuyện bắt nguồn từ dự án Beresheet.
Tàu vũ trụ Beresheet là con tàu vũ trụ đầu tiên được Israel chế tạo nhằm mục đích hạ cánh trực tiếp xuống bề mặt của mặt trăng, đây đồng thời cũng là giai đoạn đầu của một sáng kiến do tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk tài trợ với tham vọng mang một số dạng DNA sống lên mặt trăng. Dự án được thiết kế để hoạt động như Noah’s Ark phiên bản 2, cung cấp một kho lưu trữ gen đặc biệt của toàn bộ các loài thực vật và động vật trên trái đất, từ đó có thể giúp bảo tồn cũng như tái sinh một giống loài, hay khôi phục sự đa dạng sinh học trong trường hợp một thảm họa tuyệt chủng xảy ra trên trái đất.
Như vậy, mặc dù nó không vận chuyển các phi hành gia, nhưng Beresheet lại mang trong mình rất nhiều mẫu DNA của con người, động vật, cùng với đó là cả loài gấu nước đã nói ở trên và 30 triệu trang thông tin số hóa rất nhỏ về xã hội và văn hóa của con người.
Beresheet trị giá 100 triệu USD và nặng gần 600kg (bao gồm cả nhiên liệu). Con tàu rời bệ phóng với tên lửa đẩy Falcon 9 vào tối ngày 21/2/2019, và gửi những bức ảnh tự chụp đầu tiên về trái đất vào ngày 5/3/2019. Tuy nhiên sau đó Beresheet đã gặp nạn trong quá trình hạ cánh xuống bề mặt của Mặt Trăng do động cơ chính bất ngờ gặp sự cố. Nó rơi ở khu vực Mare Serenitatis của mặt trăng và hình ảnh về vụ va chạm đã được tàu vũ trụ Lunar Reconnaissance Orbiter của NASA chụp lại.
Tàu vũ trụ Beresheet
Tạm đặt những thiệt hại của sự cố sang một bên, điều khiến các nhà khoa học quan tâm nhất hiện nay chính là hậu quả của vụ tai nạn. Giờ đây, những con gấu nước đi theo Beresheet có thể nằm rải rác trên bề mặt mặt trăng. Bạn có thể tự hỏi tại sao lại là loài gấu nước chứ không phải bất kỳ loài nào khác? Rất đơn giản, chúng là những sinh vật sống dai đến đáng sợ.
Theo nghiên cứu: “Gấu nước có thể phát triển trong các môi trường khắc nghiệt có thể gây tổn thương cho nhiều dạng sống khác. Nó có thể chịu được từ nhiệt độ gần độ không tuyệt đối đến trên nhiệt độ sôi của nước, áp lực gấp 6 lần tại điểm sâu nhất của đáy biển, phóng xạ ion hóa gấp hàng trăm lần mức chết người và cả môi trường chân không trong không gian. Nó có thể sống thiếu nước hay thức ăn trong 10 năm, cả khi cơ thể chỉ còn 3% nước hay ít hơn”. Đó chính là lý do tại sao loài sinh vật này có thể tồn tại qua nhiều sự kiện tuyệt chủng đã từng xảy ra trên trái đất, đồng thời có thể sống sót trên mặt trăng trong một thời gian dài. Tuy nhiên liệu đây có phải là một vấn đề đáng quan tâm?
Hình ảnh loài gấu nước chụp dưới kính hiển vi
Loài gấu nước có thân hình tròn trịa, mập mạp, với chiều dài trung bình khoảng 0.5mm và sở hữu 4 cặp chân, mỗi chân có từ 4 đến 8 vuốt chân - một thân hình nhìn chung không được “khả ái” cho lắm. Tuy sở hữu bộ răng sắc nhọn trông khá dữ dằn, nhưng gấu nước chủ yếu ăn thực vật, đôi lúc chúng cũng ăn một số loài vi khuẩn khác. Vậy chúng tồn tại thế nào trên mặt trăng?
Như đã nói, loài gấu nước có thể sống sót trong điều kiện vô cùng cực đoan về nhiệt độ và áp suất, bao gồm cả môi trường chân không lạnh lẽo bên ngoài trái đất. Chúng gần như không có vẻ gì là bị ổn thương khi tiếp xúc với bức xạ. Trong trường hợp bị mất nước, loài sinh vật này cuộn lại thành một trạng thái giống như bào tử, giúp làm chậm tốc độ trao đổi chất khoảng 100 lần, cho phép chúng có thể tồn tại trong hơn 100 năm. Chưa dừng lại ở đó, gấu nước còn có thể sống mà không cần ăn trong 10 năm - một loài vật sống dai đến phi thường!
Gấu nước trên mặt trăng cuối cùng cũng sẽ vẫn diệt vong
Tuy nhiên về cơ bản, bất cứ dạng sống nào muốn tồn tại đều cần phải có nước và chất dinh dưỡng, dù là ở mức tối thiểu, gấu nước cũng không phải ngoại lệ. Chúng chủ yếu lấy oxy và thức ăn từ nước. Ở trái đất, gấu nước thường sống ký sinh trên các cụm tảo, rêu, địa y, hoặc “khoét sâu” vào các lớp trầm tích để hấp thụ chất dinh dưỡng từ chất lỏng của các sinh vật sống khác, thậm chí chúng còn ăn cả các loài ký sinh trùng cũng thuộc họ tardigrades. Như vậy, tuy rằng gấu nước có thể tồn tại trên mặt trăng một khoảng thời gian dài trong trạng thái cuộn lại, nhưng nếu không được “giải cứu” bằng cách bù nước và tiếp chất dinh dưỡng, cuối cùng chúng sẽ vẫn diệt vong, cho dù về lý thuyết, quá trình này mất rất nhiều thời gian.
Ô nhiễm liên hành tinh
Tạm gác lại những mối lo về về việc loài gấu nước có thể xâm chiếm mặt trăng, điều này là không thể xảy ra bởi trước sau gì chúng cũng sẽ chết. Có một thực trạng khác đáng nhận được nhiều sự quan tâm hơn, đó là vấn đề về ô nhiễm rác thải không gian. Không chỉ xả rác ra môi trường thiên nhiên dưới mặt đất, chúng ta còn để lại đầy rẫy “dấu ấn của thế giới văn minh” bên ngoài vũ trụ.
Ngày càng có nhiều kế hoạch lên mặt trăng được đưa ra, thậm chí còn có cả những tua du lịch khám phá hành tinh này và trong tương lai còn có thể là cả những khu định cư, tổ hợp vui chơi được xây dựng. Tham vọng khám phá và đặt chân lên mặt trăng không phải xấu, không đáng bị lên án, tuy nhiên chúng ta phải học cách dọn dẹp hậu quả để lại. Bài học về cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang hoành hành trên trái đất vẫn còn nguyên giá trị.
Song song với mặt trăng, sao Hỏa chính là hành tinh tiếp theo cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, khi mà ngày càng có nhiều dự án khám phá bề mặt sao Hỏa được lên kế hoạch như hiện nay. NASA và ESA hiện đang lên kế hoạch cho một nhiệm vụ đưa các mẫu vật thu được từ sao Hỏa về trái đất để nghiên cứu. Và các biện pháp phòng ngừa mọi sự xáo trộn cũng như ô nhiễm có thể xảy ra trên bề mặt hành tinh này chính là trung tâm của việc thiết kế và chế tạo tàu vũ trụ.
Bề mặt của sao Hỏa cần đảm bảo nguyên trạng sau những cuộc nghiên cứu
Bên cạnh đó, không gian quỹ đạo trái đất cũng đang cần được dọn dẹp hơn bao giờ hết. Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), hiện có khoảng 22.000 vật thể nhân tạo đang quay quanh Trái đất, bao gồm các vệ tinh đang hoạt động cũng như đã hỏng hóc, ngừng hoạt động, và vô số mảnh vỡ của các tên lửa cũ đã từng được sử dụng trong những chuyến thám hiểm không gian suốt hơn nửa thế kỷ qua của con người.
Lượng rác thải vũ trụ dày đặc cùng với số lượng không ngừng gia tăng của các vụ phóng tên lửa lên Quỹ đạo trái đất đã làm trầm trọng thêm những lo ngại về những tình huống va chạm đáng tiếc có thể xảy ra bên ngoài không gian giữa tàu vũ trụ và những vật thể trôi nổi này - không chỉ gây thiệt hại về tiền của, mà còn tạo thêm nhiều mảnh vỡ trôi nổi trong không gian khác, tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các tàu vũ trụ và vệ tinh đang làm nhiệm vụ như một vòng luẩn quẩn.
Rác thải vũ trụ trôi nổi ngày một dày đặc trong Quỹ đạo Trái đất
Tóm lại, nhân loại cần một kế hoạch làm sạch không gian hiệu quả và cấp thiết trước khi mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát. Còn đối với loài gấu nước, hãy cứ để chúng thoải mái tận hưởng “kỳ nghỉ mát” có một không hai trên mặt trăng của mình!