Những tranh cãi xung quanh vấn đề giới tính và công việc vốn không có gì mới mẻ. Nó xuất hiện trong mọi lĩnh vực, từ vi mô đến vĩ mô, và trong cả các sứ mệnh khám phá không gian của con người.
Chúng ta thường quen thuộc với hình ảnh những người đàn ông cao to, khỏe mạnh trong bộ trang phục thám hiểm không gian quá khổ. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây lại chỉ ra không ít lý do cực kỳ thuyết phục cho thấy nữ giới mới là những người sở hữu nhiều lợi thế hơn trong công việc đặc thù này.
Người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, thế giới chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết giữa hai siêu cường lúc bấy giờ: Liên Xô - Hoa Kỳ trong mọi lịch vực, đặc biệt là hàng không vũ trụ. Không bên nào muốn bị lép vế bởi đây là lĩnh vực đỉnh cao nhất, được coi là tấm gương phản ánh sự phát triển của một quốc gia. Các chương trình không gian tốn kém của Liên Xô và Hoa Kỳ đều hướng đến việc đạt được các mốc quan trọng trong khám phá vũ trụ, nhằm cố gắng vượt qua đối thủ của họ ở từng khía cạnh dù là nhỏ nhất, trong đó phải kể đến “chiến thắng quan trọng” của Liên Xô trước Hoa Kỳ trong việc đưa thành công người phụ nữ đầu tiên vào không gian. Và người phụ nữ đặt ra cột mốc lịch sử đó chính là Valentina Vladimirovna Tereshkova.
Valentina Vladimirovna Tereshkova sinh ngày 6 tháng 3 năm 1937 tại Bolshoye Maslennikovo, một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Yaroslavl, Nga. Bà là một nhà du hành vũ trụ Liên Xô, đồng thời là nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của loài người. Tereshkova thực hiện chuyến bay lịch sử vào ngày 16 tháng 6 năm 1963, trên tàu vũ trụ Vostok 6. Bà đã bay quanh Trái Đất tới 48 vòng với gần 3 ngày trên vũ trụ. Số lần bay quanh Trái Đất của Tereshkova nhiều hơn tổng số lần bay của các nhà du hành vũ trụ Mỹ tính đến thời điểm đó. Khi tàu Vostok 6 quay trở lại bầu khí quyển, Tereshkova đã nhảy dù xuống Trái đất thành công ở độ cao hơn 6000m.
Phải tới 19 năm sau kỳ tích của Tereshkova, nhân loại mới tiếp tục được chứng kiến người phụ nữ thứ hai bay vào không gian, đó là Svetlana Yevgenyevna Savitskaya, một nữ phi hành gia cũng mang quốc tịch Liên Xô. Điều kiện tuyển chọn được các nhà khoa học vũ trụ Liên Xô đưa ra khi đó bao gồm ứng cử viên phải là những người biết nhảy dù, dưới 30 tuổi, thấp hơn 1,70m và cân nặng không quá 70kg.
Ở bên kia chiến tuyến, mặc dù đã có những nữ phi hành gia đầu tiên được cấp bằng vào đầu thập niên 1960, nhưng phải mất tới 15 năm sau, Hoa Kỳ mới chấp nhận hoàn toàn sự góp mặt của các nữ phi hành gia trong những sứ mệnh không gian quan trọng. Năm 1978, NASA đã chấp thuận cho 6 phụ nữ trở thành những nữ phi hành gia đầu tiên của chương trình vũ trụ Hoa Kỳ.
Một trong số họ là Sally Ride, người đã trở thành một phần của phi hành đoàn STS-7 vào ngày 30 tháng 4 năm 1982, phục vụ như một phi hành gia chuyên nghiệp. Cô cũng là nữ phi hành gia người Mỹ đầu tiên quay trở lại vũ trụ lần thứ hai vào năm 1984.
Bất chấp những tiến bộ to lớn về mọi mặt trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, kể từ khi Sally Ride thực hiện chuyến bay đầu tiên, hơn 80% phi hành gia vẫn là nam giới. Nhưng rất có khả năng thực trạng này sẽ sớm thay đổi.
Những ưu điểm của nữ phi hành gia
Có một số lý do cho thấy nữ phi hành gia có thể thực hiện nhiệm vụ tốt hơn nam giới ở một vài khía cạnh, bao gồm:
Phụ nữ nhẹ cân hơn: Gồng gánh một tải trọng lớn lên không gian kéo theo hàng loạt hệ lụy như thiết kế tàu vũ trụ cần phải thay đổi, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, chi phí hậu cần tốn kém hơn. Sự góp mặt của các nữ phi hành gia sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề trên.
Phụ nữ ăn ít calo hơn và sử dụng ít tài nguyên hơn: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nữ giới yêu cầu lượng calo ít hơn nam giới từ 15 đến 25%, mặc dù cùng thực hiện một khối lượng công việc tương tự, với hiệu quả tương đương. Ngoài ra, vì phụ nữ (trung bình) nhỏ con hơn nam giới, họ cũng tạo ra ít chất thải hơn (CO2 và chất bài tiết của cơ thể), giúp hệ thống tái chế của tàu vũ trụ hoạt động hiệu quả hơn.
Các đặc tính không gian có ảnh hưởng khác nhau đến nam giới và nữ giới: Do ảnh hưởng của vi trọng lực và bức xạ, các nhà du hành vũ trụ có thể phải chịu một số tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nam giới ít bị ảnh hưởng bởi chứng “say tàu xe” trong các chuyến bay vào không gian hơn phụ nữ, nhưng lại có nguy cơ bị suy giảm thính lực nhanh hơn, cũng như mắc các vấn đề về thị lực cao hơn.
Trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới, phụ nữ đã chứng minh rằng họ có khả năng làm bất cứ điều gì - bao gồm cả việc chinh phục không gian, cho thấy ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn cho sự thành công của họ.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nữ giới có thể thay thế hoàn toàn nam giới trong các chuyến thám hiểm không gian. Sẽ vẫn có những công việc đặc thù đòi hỏi tự tham gia của cánh mày râu. Vấn đề cần cần thay đổi ở đây chính là tỷ lệ nữ giới tham gia vào các sứ mệnh khai phá vũ trụ trong tương lai.