Mới đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một cây giáo bằng gỗ có niên đại từ 7.000 năm Trước Công nguyên ở Bolków gần hồ Świdwie ở Tây Pomerania – Ba Lan. Đây là cây giáo lâu đời nhất ở châu Âu từng được phát hiện.
Cây giáo dài khoảng 40cm, rộng 10cm, có hình dạng giống mái chèo dài được tìm thấy sâu dưới lòng đất khoảng 1m trong một khu điện thờ 9.000 năm tuổi. Theo nghiên cứu, cây giáo được làm bằng gỗ tần bì và được bảo quản khá tốt.
Trên thân cây giáo có những vết chạm khắc cho thấy nó được người dân địa phương sử dụng trong các nghi lễ Mesolithic bí ẩn thuộc thời đại đá giữa. Kết quả kiểm tra X-quang cho thấy sự phối hợp khác nhau giữa chuỗi hình học và hình chạm khắc của người và động vật.
Hình ảnh được khắc trên cây giáo có thể là cảnh của một nghi lễ hiến tế cho các vị thần. Bên cạnh đó còn có hình khác về khu định cư, động vật, chim rừng, và một chuỗi ký tự được cho là một loại bùa chú.
Cây giáo được sử dụng làm công cụ trang trí và được coi là một mặt hàng thủ công phổ biến trong các xã hội Mesolithic, giáo sư Tadeusz Galiński, trường nhóm nghiên cứu cho biết.
Trong những lần khai quật trước, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một lư hương bằng gỗ được sử dụng trong nghi thức tạo khói để xua đuổi tà ma, các mảnh gỗ, vỏ cây, xương động vật dùng để cúng tế của các pháp sư.
Tại Bolków và các vùng khác của Châu Âu, các nhà khảo cổ đã từng phát hiện những chạm khắc tương tự trên các vật làm bằng xương, hổ phách, gỗ, đá. Điều này chứng tỏ, hệ thống tín ngưỡng phong phú đã tồn tại trong các xã hội tiền sử.