Còn gì thú hơn khi được dạo chơi trong những vùng nước nhiệt đới trong vắt, ấm áp và tận hưởng toàn bộ sự diệu kỳ của hệ sinh thái dưới đáy biển thụ nhỏ trên những rạn san hô đầy sắc màu - nơi cư trú của hàng ngàn loài thủy sinh.
Tuy nhiên, vẻ đẹp luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm. Nhiều người nghĩ rằng cá mập là loài sinh vật đáng sợ nhất của biển cả, nhưng trên thực tế, những mối nguy hiểm thực sự lại đến từ những con vật nhỏ bé tưởng chừng như vô hại. Rất nhiều trong số chúng đang sống trong những rạn san hô trải dài ở các đại dương trên khắp hành tinh.
Bạch tuộc đốm xanh
Loài bạch tuộc nhỏ, nhiều màu sắc này có thể được tìm thấy với số lượng lớn trong các bể thủy triều và rạn san hô ở Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương, từ lãnh hải Nhật Bản tới Australia. Chúng có thể được nhận biết nhờ vào lớp da màu vàng và những đốm màu xanh lam đặc trưng - thứ có khả năng thay đổi màu sắc đột ngột khi bị đe dọa.
Bạch tuộc đốm xanh được công nhận là một trong những sinh vật biển độc nhất trên thế giới, đồng thời là loài gây chết người nhiều nhất trong tự nhiên. Tuy có kích thước nhỏ bé nhưng chúng sở hữu nọc độc đủ mạnh để giết chết 26 người trưởng thành trong vòng vài phút, và hoàn toàn không có chất chống độc đặc hiệu. Đặc biệt, vết cắn của bạch tuộc đốm xanh thường không thực sự gây đau đớn hay để lại vết thương nghiêm trọng, vì vậy nạn nhân không phải lúc nào cũng nhận ra mình đã bị cắn cho đến khi các triệu chứng nhiễm độc điển hình xuất hiện, bao gồm tê liệt cơ bắp, hô hấp khó, ngừng tim, và cuối cùng là tử vong.
Sứa hộp
Sứa hộp nằm trong top đầu những loài sở hữu nọc độc mạnh nhất trong tự nhiên. Chất độc của chúng sau khi xâm nhập cơ thể sẽ lập tức tấn công vào tim, hệ thần kinh và gây tử vong nhanh chóng. Với thân hình trong suốt cùng vết cắn cực kỳ đau đớn, sứa hộp được mệnh danh là “sát thủ vô hình” của đại dương, chịu trách nhiệm đối với hơn 60 trường hợp tử vong trong 100 năm trở lại đây.
Loài sinh vật này được tìm thấy ở khắp các vùng nước ấm ven biển trên toàn thế giới, nhưng gây chết người nhiều nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phía bắc Australia. Sau khi bị nhiễm độc từ sứa hộp, nạn nhân có thể gặp phải các triệu chứng điển hình như tê liệt, ngừng tim và tử vong chỉ sau vài phút
Sứa Irukandji
Sứa Irukandji có thể là một trong những loài sứa nhỏ nhất trên thế giới, tuy nhiên chúng lại mang trên mình loại nọc độc đáng sợ nhất. Xúc tu của sứa Irukandji có thể dài tới 2,5m và chứa vô số gai để tiêm chất độc vào nạn nhân. Sứa Irukandji để lại vết cắn không đau, nhưng chỉ sau khoảng 30 phút, độc tố sẽ tác động thẳng lên hệ thần kinh trung ương và gây ra một số dấu hiệu được gọi là hội chứng Irukandji bao gồm ói mửa, ra mồ hôi, nhức đầu, đau vùng dưới của lưng, nhịp tim tăng, áp suất động mạch tăng cao, suy thận cấp và phù phổi. Ngay cả liều lượng nhỏ nọc độc của Irukandji cũng có thể khiến nạn nhân phải nhập viện từ vài giờ đến vài ngày, cuối cùng từ vong vì suy tim nếu không được cứu chữa đúng cách. Sứa Irukandji chủ yếu được tìm thấy ở các vùng biển xung quanh lục địa Úc, Hawaii, Florida, Puerto Rico và Guam.
Cá sư tử
Cá sư tử là một trong nhiều loài cá biển có nọc độc chủ yếu sinh sống ở các rạn san hô thuộc vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoặc thậm chí ở các vùng san hô ấm của Đông Đại Tây Dương và biển Caribe. Đây là loài cá nổi tiếng với đặc tính háu ăn. Chúng có thể tấn công bất cứ thứ gì để đáp ứng sự thèm ăn của mình, và hiếm có kẻ thù tự nhiên nào nhờ mang trên mình cơ chế phòng thủ chuyên dụng bao gồm 18 vây lưng có gai độc. Nọc độc của cá sư sử rất đau và có thể gây buồn nôn, khó thở, co giật, đổ mồ hôi. Nọc độc này hiếm khi gây tử vong ở người, nhưng có thể khiến nạn nhân gặp biến chứng suy tim nặng.
Cá chình moray
Cá chình moray có thể được tìm thấy trên khắp thế giới nhưng hầu như chỉ tập trung nhiều tại các rạn san hô ở những vùng nhiệt đới. Có khoảng 200 loài cá chình moray. Rất nhiều trong số này có khích thước lớn và vô cùng hung dữ, nhưng lại hiếm khi gây nguy hiểm cho con người.
Rủi ro chỉ xảy ra khi bạn khiêu khích hoặc cố gắng cho chúng ăn. Cá chình moray sẽ cắn, vì vậy cách tốt nhất để giữ an toàn là tránh làm phiền loài động vật này, đặc biệt là khi chúng ở trong hang. May mắn thay, cách duy nhất khiến bạn có thể thực sự tử vong bởi một con cá chình moray không phải là do bị nó ăn thịt bạn, mà là nếu bạn ăn nó. Chất độc thần kinh ciguatoxin tích tụ với nồng độ cao trong thịt cá chình moray có thể gây ngộ độc cấp tính và tử vong nhanh chóng ở người.
Cá kim
Cá kim không nguy hiểm vì đặc tính hung dữ, có nọc độc hay khả năng cắn xé. Sự đáng sợ của chúng chủ yếu là do hình dạng, hàm răng giống những mũi khoan sắc bén và khả năng lướt nhanh trong nước biển. Những con cá kim có thể lướt đi với tốc độ tối đa lên đến 60km/h và gây ra thương tích nghiêm trọng cho những người tình cờ cản đường chúng.
Rắn biển
Mặc dù rắn biển không bao giờ chủ động tấn công con người nhưng chúng vẫn được xếp vào nhóm những loài nguy hiểm nhất hành tinh do sở hữu nọc độc cực mạnh. Rắn biển gây chết người nhiều nhất là hai loài sống ở vùng biển ngoài khơi châu Á và Australia.
Vết thương gây ra bởi rắn biển tương đối nhỏ, có thể không đau và do đó khiến nan nhân không chú ý. Tuy nhiên, chỉ từ 30 phút đến vài giờ sau đó, các triệu chứng nhiễm độc cấp tính có thể xuất hiện bao gồm nhức đầu, khát nước, nôn mửa, đau nhức cơ và sau đó là tê liệt, suy thận và ngừng tim.
Cá mặt quỷ
Cá mặt quỷ có thể trông giống như một tảng đá vô hại, nhưng trên thực tế chúng lại là một trong những loài cá độc nhất trên thế giới. Loài cá này mang trên mình chất độc thần kinh ở các ngọn gai chạy dọc theo vây lưng - sẽ dựng đứng khi con cá cảm thấy bị đe dọa. Tùy thuộc vào lượng nọc độc được tiêm vào cơ thể nạn nhân, một con cá mặt quỷ có thể gây tử vong cho một người trưởng thành trong vòng chưa đầy một giờ. Nọc độc của chúng gây đau đớn, sưng tấy, tê liệt tạm thời, sốc và có thể tử vong nếu không được điều trị ngay bằng thuốc kháng độc.