Những hiện tượng thời tiết kỳ lạ chỉ có thể thấy trong vũ trụ

Vũ trụ bao la ẩn chứa vô vàn những điều bí ẩn mà con người chưa thể khám phá. Trong đó có những hiện tượng thời biết vô cùng kỳ lạ mà chúng ta không thể thấy ở Trái Đất như bão thủy tinh, mưa pha lê hay mây thủy ngân, sóng siêu nhiệt...

1. Bão thủy tinh

Nằm cách Trái Đất 63 năm ánh sáng, hành tinh HD 189733b được biết đến như một bản sao của sao Mộc, nhưng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn gấp nhiều lần. Dường như không có một vật thể nào có thể tồn tại trên bề mặt của hành tinh này do nhiệt độ có thể lên tới 980 độ C và sức gió luôn ở mức 6.400 km/h.

Bão thủy tinh

Ngay cả đất đá cũng bị bốc hơi khi ở trên hành tinh này, theo ước tính HD 189733b mất khoảng 600 triệu kg khối lượng mỗi giây.

Do điều kiện quá khắc nghiệt nên các nhà khoa học không thể quan sát rõ ràng những gì đang diễn ra trên bề mặt HD 189733b mặc dù khoảng cách từ hành tinh này tới Trái Đất không quá xa.

Để biết những gì đang diễn ra trên hành tinh này, các nhà khoa học đã phải sử dụng cách theo dõi gián tiếp thông qua ánh sáng phản chiếu của HD 189733b lên các ngôi sao của nó. Họ đã phát hiện ra rằng hành tinh này cũng có một bầu khí quyển màu xanh giống Trái Đất của chúng ta nhưng di chuyển liên tục như cơn bão khổng lồ với thành phần chính là các mảnh thủy tinh silicat, khi phản chiếu ánh sáng Mặt Trời khiến cho nó có màu xanh giống Trái đất.

2. Mây thủy ngân

Mây thủy ngân

Alpha Andromedae, còn được gọi là Alpheratz, là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Andromeda đồng thời nó cũng là ngôi sao duy nhất được phát hiện có một hệ thống thời tiết gần giống với Trái Đất.

Khi quan sát Alpha Andromedae, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự thay đổi của nồng độ thủy ngân trên bề mặt của ngôi sao này và đó là một sự di chuyển theo thời gian, gần giống với sự di chuyển của bầu khí quyển và các đám mây trên Trái Đất.

Theo các nhà khoa học, có những đám mây thủy ngân vô cùng đặc biệt, có tính chất di chuyển theo thời gian đang tồn tại trên ngôi sao này. Nhưng nguyên nhân hình thành và sự di chuyển một cách đều đặn của các đám mây thủy ngân này vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học. Bởi trên ngôi sao này không tồn tại từ trường, điều kiện cần thiết để có thể xảy ra hiện tượng tương tự như trên.

3. Mưa pha lê

Mưa pha lê là hiện tượng cực kỳ thú vị chỉ xuất hiện trong vũ trụ

Mưa pha lê là hiện tượng cực kỳ thú vị chỉ xuất hiện trong vũ trụ.

HOPS-68 là một ngôi sao có cấu trúc gần giống Mặt Trời khi mới hình thành, cách Trái đất 1.350 năm ánh sáng. Xung quanh ngôi sao này tồn tại một đám mây bụi khí có thành phần chính là những tinh thể olivin màu xanh lá cây (một loại đá có trên Trái đất được cấu tạo từ sắt và magie).

Do các đám bụi khí này có nhiệt độ khá lạnh (khoảng -170 độ C), khiến các tinh thể olivin ngưng tụ thành các hạt nhỏ và rơi xuống giống như một cơn mưa pha lê xanh đầy kỳ diệu.

Nhờ kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA, các nhà khoa học đã quan sát được hiện tượng thú vị này. Trước đây, họ cũng từng phát hiện các tinh thể tương tự trong các sao chổi thuộc khu vực ngoại vi của Trái Đất. Theo các nhà khoa học, những dạng đá quý này có thể được hình thành trong giai đoạn đầu của hệ Mặt Trời, khi các sao chổi bắn phá các hành tinh trong quá trình nguội lạnh.

4. Sóng siêu nhiệt

Sóng siêu nhiệt

HD 80606b là một “sao Mộc nóng” có kích thước lớn gấp 4 lần bản gốc mà chúng ta đã biết.

Bề mặt của hình tinh này có sự thay đổi bức xạ nhiệt đột ngột và lớn nhất so với tất cả các hành tinh khác mà các nhà khoa học đã quan sát được. Chỉ trong vài giờ nhiệt độ trên bề mặt của hành tinh tăng gấp đôi từ 500 độ C lên tới hơn 1.000 độ C.
Sự thay đổi nhiệt độ này gây ra những vụ nổ bức xạ bất ngờ. Chỉ cần một vụ nổ có thể tạo ra sức gió trên bề mặt lên tới 17.000 km/h và những đợt sóng siêu nhiệt bao phủ toàn bộ hành tinh. Gió và lửa sẽ bao trùm toàn bộ hành tinh khiến cho không một vật thể nào có thể tiến lại gần.

5. Lốc xoáy từ trường

Lốc xoáy từ trường

Dạng thời tiết bất thường này xảy ra ở ngay chính những ngôi sao như Mặt Trời. Mỗi cơn lốc xoáy từ trường có kích thước gấp 5 lần Trái Đất, được cấu tạo từ khí và plasma có nhiệt độ tới 2 triệu độ C và gió thổi 300.000 km/h.

Cơn lốc xoáy đầu tiên được ghi lại bởi các camera có độ phân giải cao được đặt trên tàu Solar Dynamics Observatory của NASA vào năm 2011.

6. Mưa cát và sắt nóng chảy

Mưa cát và sắt nóng chảy

Sao lùn lâu là những thiên thể đang bốc cháy, nhưng lại không đủ lớn để duy trì phản ứng nhiệt hạch như ở các vì sao nên chúng nguội lạnh dần. Khi quan sát dưới kính thiên văn hồng ngoại, chúng trông như những đốm than hồng đã tàn.

Nhưng trong một giai đoạn tương đối ngắn, những sao lùn nâu dường như sáng rực rỡ hơn khi mất nhiệt. Nguyên nhân chính là do các đám mây bao quanh nó. Theo quan sát của các nhà khoa học, những ngôi sao lùn nâu, mờ nhạt hơn mặt trời ít nhất 25.000 lần, vẫn có nhiệt độ khoảng 1.720 độ C. Mọi vật chất như sắt và cát đều tồn tại ở dạng khí khi ở mức nhiệt độ khủng khiếp đó.

Trong quá trình ngôi sao nguội lạnh đi, các chất khí này ngưng tụ trong khí quyển, tạo thành những giọt lỏng, hình thành các đám mây giống như ở Trái Đất.

Thứ Năm, 20/07/2017 16:17
51 👨 1.099
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ