Trong bài viết trước Quantrimang đã giúp các bạn hiểu được ngâm chân nước muối có tác dụng gì. Để tiếp theo series bài viết này, hôm nay chúng tôi sẽ giúp các bạn trả lời cho câu hỏi ngâm chân lá lốt có tác dụng gì cũng như cách ngâm chân bằng lá lốt sao cho hiệu quả nhất.
Tìm hiểu đặc điểm nổi bật của lá lốt
Trước khi muốn tìm hiểu ngân chân lá lốt có tác dụng gì, hãy cùng xem loại lá này có đặc điểm và công dụng gì nổi bật nhé!
Đặc điểm của lá lốt
Lá lốt có tên khoa học là Piper lolot C. DC, thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Chúng là cây thân thảo có sức sống rất mãnh liệt, thích hợp với những môi trường ẩm ướt và có các đặc điểm như:
- Quả mọng có chứa duy nhất 1 hạt
- Lá đơn, nguyên, hình tim, mọc so le, có mùi thơm đặc trưng. Mặt lá bóng, có năm gân chính, cuống lá có bẹ.
- Hoa mọc ở nách lá và tạo thành cụm.
Công dụng của lá lốt
Trong đông y, lá lốt có vị cay tính ấm, có rất nhiều công dụng và thường được dùng trong nhiều bài thuốc khác nhau nhất là các bài thuốc chữa bệnh xương khớp.
Còn theo y học hiện đại, lá và thân của chúng có chứa nhiều ancaloit và tinh dầu, thành phần chính là beta-caryophylen - đây là một chất có tác dụng kháng viêm, điều trị trầm cảm, lo âu rất tích cực.
Lá lốt cũng có công dụng trong việc làm ấm bụng, giảm đau, hỗ trợ điều trị đau lưng, đầy hơi, nôn mửa, khó tiêu, chảy nước mũi tanh hôi...
Ngâm chân bằng lá lốt có tác dụng gì?
Cách ngâm chân bằng lá lốt đã được lưu truyền từ lâu trong dân gian. Vậy việc ngâm chân này sẽ mang lại những tác dụng gì đối với sức khỏe?
1. Lá lốt ngâm chân trị tiểu đường
Có thể không nhiều người biết tới phương pháp này, thế nhưng lá lốt ngâm chân trị tiểu đường lại là phương thuốc hoàn toàn có thật và mang lại những hiệu quả bất ngờ.
Khi ngâm chân bằng lá lốt, các độc tố có trong cơ thể sẽ được loại bỏ giúp đỡ nhức mỏi hơn. Các tinh chất từ lá lốt sẽ được thẩm thấu giúp mạch máu được lưu thông. Phương pháp này giúp cho các bệnh nhân mắc tiểu đường, tim mạch, thấp khớp, gout... giảm đau đớn hiệu quả đồng thời cải thiện tình trạng bệnh.
Các bạn nên tiến hành phương pháp ngâm chân này đều đặn trước khi đi ngủ khoảng 20 phút để đường huyết có thể nhanh chóng trở về trạng thái bình thường. Có một lưu ý là sau khi thấy tình trạng bệnh thuyên giảm, người bệnh vẫn cần kiêng khem và ăn uống hợp lý để không bị tái phát.
Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 10-20 gam lá lốt bao gồm cả rễ, lá, thân. Rửa chúng thật sạch sau đó cắt thành các đoạn nhỏ chừng 1 ngón tay.
- Đun 1,5 lít nước sau đó thả phần lá lốt đã chuẩn bị vào cho tới khi sôi lại khoảng 5 phút thì tắt bếp
- Cho thêm 2 thìa muối hột
- Đổ nước ra chậu đợi cho nguội bớt sau đó ngâm 10-20 phút
Lưu ý:
- Muối sử dụng phải là muối biển
- Ngâm chân ở nhiệt độ khoảng 40-45 độ C
- Không nên ngâm quá lâu
- Nên cho nước ngập cổ chân.
2. Ngâm chân lá lốt giúp cải thiện giấc ngủ, cho tinh thần sảng khoái
Trong quá trình ngân chân bằng nước lá lốt, các bạn có thể thực hiện các động tác ấn, day, massage nhẹ nhàng nhằm kích thích các huyệt đạo dưới lòng bàn chân.
Từ đó, tinh thần sẽ được sảng khoái, cơ thể sẽ thoải mái giúp cho giấc ngủ sâu và ngon hơn.
3. Hỗ trợ điều trị phong tê thấp
Theo y học cổ truyền, tê bì chân tay là hiện tượng khí hư thoát ra ngoài gây lạnh chân tay. Người bệnh có biểu hiện ra mồ hôi liên tục, thậm chí chảy thành từng giọt.
Thực hiện ngâm chân với lá lốt sẽ giúp tình trạng này được cải thiện hiệu quả.
4. Hỗ trợ điều trị nhức mỏi xương khớp
Độc tố trong cơ thể sẽ được đẩy bớt ra ngoài nếu bạn tiến hành ngâm chân bằng lá lốt. Các mạch máu sẽ được giãn ra, tinh chất từ lá lốt sẽ thẩm thấu vào cơ thể từ đó giúp các cơn đau mỏi xương khớp được cải thiện.
Cách ngâm chân bằng lá lốt để đạt hiệu quả cao nhất
Ngoài thực hiện ngâm chân bằng muối hạt và lá lốt như cách thực hiện để chữa tiểu đường phía trên, các bạn có thể thêm vào đó một số nguyên liệu khác như: Gừng, ngải cứu, sả nhằm tăng tác dụng làm ấm và hỗ trợ điều trị các bệnh phong tê thấp, nhức mỏi xương khớp tốt hơn.
Trong quá trình ngâm, các bạn nên lưu ý một số điểm sau đây:
- Do cổ chân có nhiều huyệt đạo nên các bạn cần ngâm ngập mắt cá chân khoảng 2cm, ngâm ngập vùng này sẽ giúp khí huyết lưu thông, tác động lên toàn bộ cơ thể.
- Không ngâm chân trước và sau khi ăn tối khoảng 1 tiếng. Thời điểm tốt nhất là nên ngâm trước khi đi ngủ 30 phút.
- Không ngâm quá lâu, khi nước đã lạnh không nên tiếp tục ngâm
- Sau khi ngâm nên lau chân thật khô, nếu vào mùa đông cần đi tất chân hoặc ủ ấm cho chân
- Khi chân có vết thương hở tuyệt đối không được tiến hành các phương pháp ngâm.
- Người bị suy giãn tĩnh mạch, phụ nữ đang mang thai không nên ngâm chân bằng lá lốt.
- Nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng khi ngâm chân. Đồng thời kết hợp tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật.
Ngâm chân bằng nước lá lốt là một cách rất đơn giản, tiết kiệm nhưng mang tới nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Hãy dành thời gian 10-20 phút hàng ngày để thực hiện ngâm chân, chăm sóc đôi chân và nhận về những tín hiệu tích cực. Chúc các bạn luôn khỏe!