Mưa lũ có thể cực đoan hơn 50 lần do sự nóng lên của Trái đất

Theo kết quả một nghiên cứu khoa học mới được công bố gần đây, lượng mưa cực lớn gây ra lũ lụt và thiệt hại khủng khiếp tại Libya cũng như các khu vực khác ở Địa Trung Hải trong tháng 9 này trên thực tế không thảm khốc và tồi tệ đến vậy nếu không có cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra, bên cạnh một vài yếu tố khách quan khác cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ con người.

Sáng kiến World Weather Attribution (WWA) – một tổ chức gồm các nhà khoa học chuyên phân tích vai trò của biến đổi khí hậu sau các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt – đã nhận thấy tình trạng ô nhiễm khí thải làm nóng hành tinh khiến lượng mưa chết người ở Libya có khả năng xảy ra cao hơn tới 50 lần và tồi tệ hơn 50%. Đồng thời, các nhà khoa học cũng nhận thấy lượng mưa cực lớn tấn công Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria có khả năng cao gấp 10 lần.

Theo kết quả phân tích được công bố hôm thứ ba, sự tàn phá do lượng mưa lớn bất thường còn trở nên tồi tệ hơn do một loạt các yếu tố khác, bao gồm cơ sở hạ tầng không đáp ứng chất lượng, và việc xây dựng mật độ cao ở những khu vực dễ bị lũ lụt.

Những ngôi nhà bị phá hủy ở thành phố Derna vào ngày 16 tháng 9 năm 2023

Trên thực tế, lượng mưa cực lớn đã quét qua phần lớn khu vực Địa Trung Hải kể từ đầu tháng. Vào ngày 3 tháng 9, Tây Ban Nha ghi nhận trận mưa lớn bất thường, tuy chỉ kéo dài vài giờ nhưng đã dẫn đến lũ lụt diện rộng khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Sau đó bão Daniel hình thành, gây ngập úng nghiêm trọng trong 4 ngày ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria.

Ít nhất 17 người thiệt mạng ở Hy Lạp cùng một diện tích đất nông nghiệp rộng lớn ở miền Trung nước này đã bị nhấn chìm trong biển nước, Thiệt hại nặng nề đến mức các chuyên gia cho rằng có thể phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi hoàn toàn. Bão Daniel cũng khiến ít nhất 7 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4 người ở Bulgaria.

Cho đến nay, tác động thảm khốc nhất vẫn là ở Libya. Lấy năng lượng từ vùng nước ấm bất thường của Địa Trung Hải, Bão Daniel đã trút lượng mưa kỷ lục xuống các khu vực phía đông bắc quốc gia châu Phi Này, dẫn đến sự sụp đổ của hai con đập lớn và tạo ra một làn sóng nước cao 7 mét quét qua Derna, gần như “cuốn trôi” thành phố này ra biển, gây thiệt hại khủng khiếp. Các ước tính chính thức cho thấy khoảng 4.000 người đã thiệt mạng và hơn 10.000 người vẫn mất tích.

Để hiểu tác động của biến đổi khí hậu đến khả năng và cường độ của lượng mưa lớn này, các nhà khoa học WWA đã tiến hành phân tích dữ liệu khí hậu cũng như các mô hình dự đoán, cho phép họ so sánh và đi đến kết luận rằng hiện trạng khí hậu ngày nay đã ấm hơn khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp – thời điểm gần như không có hiện tượng biến đổi khí hậu.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy ở Libya, biến đổi khí hậu không chỉ khiến lượng mưa cực lớn có khả năng xảy ra cao hơn tới 50 lần mà còn khiến lượng mưa dữ dội hơn tới 50%.

Đối với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, biến đổi khí hậu khiến lượng mưa có khả năng tăng gấp 10 lần và nghiêm trọng hơn tới 40%. Theo báo cáo, loại hình mưa lũ cực lớn mà khu vực này từng trải qua có khả năng xảy ra khoảng 10 năm một lần.

Tuy nhiên, WWA thừa nhận rằng vẫn còn những điều chưa chắc chắn về những phát hiện này. Các nhà nghiên cứu cho biết không thể loại trừ dứt khoát khả năng cuộc khủng hoảng khí hậu không ảnh hưởng đến lũ lụt. Tuy nhiên, họ nói thêm, có “nhiều lý do khiến chúng ta có thể tin tưởng rằng biến đổi khí hậu đã khiến các sự kiện này có nhiều khả năng xảy ra hơn”.

Giới nghiên cứu khoa học từ lâu đã chứng minh được mối liên kết chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu với sự gia tăng cực đoan trong lưu lượng mưa dữ. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cứ tăng thêm 1 độ C, không khí có thể giữ được độ ẩm nhiều hơn khoảng 7%.

Trên thực tế, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và nhiệt độ cực cao "càn quét" toàn cầu đang dẫn đến những tác động mà các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ, trong khi nhiều quốc gia dường như vẫn chưa sẵn sàng ứng phó. Các thảm họa khí hậu đang diễn ra hiện nay phần lớn đúng như dự đoán: nhiệt độ tăng, lốc xoáy mạnh hơn, hạn hán khắc nghiệt hơn, cháy rừng dai dẳng. Nhưng tốc độ diễn ra của chúng đã khiến giới chuyên gia phải lên tiếng báo động.

Trước khi tính đến những giải pháp lâu dài và đầy khó khăn, một số biện pháp tình thế có thể được thực hiện để giảm thiểu rủi ro, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch sơ tán tốt hơn. “Giảm thiểu khả năng bị tổn thương và tăng khả năng phục hồi trước mọi loại thời tiết khắc nghiệt là điều tối quan trọng để cứu sống mọi người”.

Thứ Bảy, 30/09/2023 01:26
31 👨 149
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khí hậu - Thời tiết