Một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời chuẩn bị phát nổ

Nằm ở góc của chòm sao Orion (chòm sao Lạp Hộ) chính là một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời mà con người có thể quan sát được - Alpha Orionis, hay còn gọi là Betelgeuse, và theo phân tích của các nhà thiên văn học, ngôi sao này đang ở hành trình cuối của “sự sống” và chuẩn bị tự kết liễu mình bằng một vụ nổ khổng lồ (siêu tân tinh), đồng thời tạo ra vô số biến động lân cận.

Nếu bạn chưa biết thì siêu tân tinh (supernova) là một sự kiện thiên văn học biến đổi tức thời xảy ra trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa ở các ngôi sao khối lượng lớn, mà một vụ nổ khổng lồ cuối cùng sẽ đánh dấu sự hủy diệt của ngôi sao đó. Một nghiên cứu khoa học mới được đăng tải gần đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học Villanova cho thấy ánh sáng từ Betelgeuse đã yếu đi khoảng một nửa so với cường độ thông thường của nó. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ - mặc dù không có nghĩa là bằng chứng dứt khoát rằng ngôi sao này đang bước vào thời kỳ tiền siêu tân tinh.

Vị trí của Betelgeuse trên bầu trời

Phát hiện của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Villanova đã tạo ra chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới thiên văn học. Ở độ sáng tối đa trung bình thường được ghi nhận, Betelgeuse là ngôi sao sáng thứ 6 hoặc thứ 7 mà con người quan sát được, tuy nhiên theo kết quả đo từ giữa tháng 12 đến nay, độ sáng của Betelgeuse đã giảm sút nghiêm trọng, khiến nó tụt xuống vị trí thứ 21 và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Trên thực tế, các ngôi sao biến đổi như Betelgeuse thường có độ sáng dao động theo thời gian, nhưng sự mờ đi đột ngột và rõ rệt như trên là đấu cho thấy điều gì đó bất thường có thể đang xảy ra với ngôi sao tại thời điểm này. Khi một ngôi sao trở nên quá già, nó sẽ cạn dần năng lượng đồng thời mất đi một phần lớn khối lượng. Ngôi sao sắp chết được bao quanh bởi một quầng bụi và khí, che khuất tầm nhìn của chúng ta tới ngôi sao này và đây cũng chính là lý do khiến nó trở nên mờ hơn.

Betelgeuse sắp phát nổ?

Trong trường hợp siêu tân tinh xảy ra với Betelgeuse, quầng sáng phát ra từ vụ nổ này sẽ sáng đến mức có thể nhìn thấy từ Trái đất ngay cả vào ban ngày. Tuy nhiên, ánh sáng từ ngôi sao phải mất 600 năm để đến với chúng ta, vì vậy khi chúng ta thực sự nhìn thấy thời khắc cuối cùng của Betelgeuse thì trên thực tế ngôi sao này đã biến mất được 600 năm. Hiện ngôi sao siêu lớn này đang được bao quanh bởi một khối khí khổng lồ có đường kính lớn gần bằng hệ mặt trời của chúng ta.

Thứ Năm, 02/01/2020 19:45
4,85 👨 2.594
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ