Răng khôn là chiếc răng cối lớn thứ ba, mọc ở vị trí cuối cùng ở mỗi bên hàm và là chiếc răng xuất hiện muộn nhất trong toàn bộ hàm răng của người trưởng thành.
- Nhận biết những triệu chứng khi mọc răng khôn để có cách đối phó tốt hơn
- 10 sai lầm thường mắc phải khi chăm sóc răng miệng
Khoảng 65% dân số thế giới sẽ mọc răng khôn. Trong quá trình mọc chiếc răng này phần lớn thời gian, chúng ta phải chịu đau đớn, khó chịu, thậm chí còn khiến chiếc răng ở bên cạnh bị lung lay, đau buốt và viêm nhiễm.
Nguyên nhân là do răng khôn mọc khi chúng ta đã trưởng thành, từ 17 đến 25 tuổi, khi đó xương hàm đã cứng, niêm mạc và mô đã phủ dày bên trên dẫn đến việc thiếu không gian để phát triển. Vì vậy, những chiếc răng khôn thường mọc ngầm, mọc lệch lạc vì thiếu chỗ, thậm chí còn đâm cả vào chiếc răng bên cạnh.
Tại sao "mọc ngu" như vậy mà chúng lại có tên là "răng khôn"?
Cái tên "răng khôn" xuất hiện từ thế kỷ 19. Do, người ta nhận thấy những chiếc răng khôn tai quái này thường chỉ xuất hiện vào lúc con người khoảng 17-25 tuổi, đó cũng chính là giai đoạn con người dần hoàn thiện bản thân, chuyển từ vị thành niên sang trưởng thành.
Vậy nên, người ta đặt luôn tên gọi của chúng là răng khôn với ý nghĩa là đánh dấu sự trưởng thành, chín chắn và khôn lớn hơn của con người.
Chiếc răng khôn mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo nền văn hóa ở mỗi vùng miền, đất nước khác nhau.
Trong tiếng Hà Lan hay Ả Rập răng khôn nghĩa là trí tuệ. Còn trong tiếng Nhật, răng khôn được gọi là Oyashirazu, có nghĩa "không biết đến cha mẹ", chỉ những người đã trưởng thành và chuyển ra ngoài ở riêng.
Trong tiếng Indonesia, răng khôn được gọi là "Gigi bungsu", có nghĩa là em út vì dựa theo thực tế, nó mọc muộn nhất và có tuổi đời nhỏ nhất.
Đối với người Thái Lan, răng khôn được đặt tên là "Fan-khut" có nghĩa là thiếu không gian.
Đặc biệt nhất có lẽ là ở Hàn Quốc, tên của răng khôn là "Sa-rang-nee", ý nói đến tuổi trẻ và những nỗi đau của mối tình đầu, tình yêu đầu tiên đích thực thường diễn ra ở độ tuổi 17-25 này!
Hầu hết răng khôn đều phải nhổ
Theo ước tính có khoảng 85% răng khôn sẽ bị nhổ đi, chỉ có 15% tồn tại đến hết quãng đời về sau cùng con người.
Nguyên nhân là do răng khôn mọc ở vị trí không thuận lợi gây đau đớn cho chúng ta. Ngoài ra, răng khôn nằm ở quá sâu bên trong hàm nên khó vệ sinh, vi khuẩn dễ sinh sôi và làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi...
Thậm chí, trong một số trường hợp, răng khôn có vấn đề nhưng không được chữa trị kịp thời gây nhiễm trùng lây lan sang các khu vực xung quanh như mắt, mang tai, má, cổ... gây nguy hiểm đến tính mạng.
Những điều lưu ý sau khi nhổ răng khôn
Trong trường hợp bạn được nha sĩ yêu cầu nhổ răng khôn, bạn cần lưu ý đến những vấn đề sau:
Tình trạng sưng tấy là tình trạng không thể tránh khỏi với ai đã nhổ chiếc răng này. Sau khi uống thuốc và thực hiện các biện pháp giảm sưng do bác sĩ hướng dẫn, tình trạng này sẽ thuyên giảm.
Dinh dưỡng: Sau khi nhổ răng khôn, bạn nên chọn những món ăn mềm, dễ nuốt để giảm bớt cảm giác đau đớn.
Chảy máu: Sau khi nhổ răng, bạn có thể bị rỉ máu trong vài giờ đầu nhưng sẽ giảm dần. Nếu bị chảy máu nhiều bạn nên thông báo với bác sĩ ngay để được cấp cứu kịp thời.
Sau khi nhổ răng khôn, bạn cần vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm trùng hoặc biến chứng không mong muốn.