Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Bệnh viện Kitano ở Osaka, Nhật Bản đang phát triển một loại thuốc mới có khả năng kích hoạt cơ chế khiến răng mọc lại.
Dự kiến, vào đầu tháng 7 năm sau, loại thuốc này sẽ được thử nghiệm lâm sàng và có thể sẵn sàng cho các nha sĩ sử dụng vào năm 2030.
Mục đích của dự án này là mang đến một loại thuốc điều trị cho những bệnh nhân thiếu răng vĩnh viễn do các yếu tố bẩm sinh, liên quan tới di truyền hoặc phát triển xảy ra trong thời kỳ bào thai. Việc mất răng tự nhiên sẽ khiến việc nhai, nuốt và nói của trẻ bị cản trở và có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của một đứa trẻ. Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là trồng răng nha khoa và lắp răng giả.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại thuốc kháng thể trung hòa ngăn chặn hoạt động của gien có tên USAG-1, được phát hiện là hạn chế sự phát triển của răng ở người, chuột. Bằng cách này, nhóm đã kích thích thành công sự phát triển của răng "thế hệ thứ ba" - sau răng sữa và răng vĩnh viễn - ở chuột và chuồn sương.
Các kết quả này đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào năm 2021 và khiến cộng đồng khoa học toàn cầu chú ý.
Theo các nhà quan sát, thuốc mọc lại răng sẽ là một cuộc cách mạng, giúp cung cấp những người bị mất răng do sâu răng hoặc bệnh răng miệng nghiêm trọng cho được bộ răng mới.
Loại thuốc này đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng điều trị cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi có dấu hiệu của chứng mất răng bẩm sinh anodontia.
Nhóm nghiên cứu hy vọng, bên cạnh dùng răng giả và trồng răng thì thuốc mọc lại răng sẽ trở thành lựa chọn thứ ba khả thi mang đến cho bệnh nhân cơ hội lấy lại răng tự nhiên.