Cận cảnh loài cá sống sâu nhất đại dương từng được camera ghi lại

Ngày 2-4, một đoạn video về loài cá ốc (snailfish) ở độ sâu 8.336m dưới đáy biển đã được các nhà khoa học ở ĐH Tây Úc và ĐH Khoa học và Công nghệ Hàng hải Tokyo công bố. Đoạn phim được robot lặn biển quay trong các rãnh sâu ngoài khơi Nhật, bắc Thái Bình Dương vào tháng 9-2022.

Đây là con cá sống sâu nhất dưới đáy biển từng được ghi hình lại. Nhà khoa học chuyên nghiên cứu biển sâu của Đại học Tây Australia - giáo sư Alan Jamieson, chia sẻ, nếu kỷ lục này bị phá vỡ thì có khả năng độ sâu chỉ tăng thêm vài mét.

Trước đây, kỷ lục này được xác nhận dưới rãnh Mariana ở độ sâu 8.178m.

Tại rãnh Izu-Ogasawara gần Nhật Bản, các nhà khoa học đã thả chiếc camera tự động xuống độ sâu mà họ ước tính là độ sâu tối đa mà loài cá có thể tồn tại và quay phim được con cá ốc.

Cá ốc thuộc nhóm sinh vật đa bào, được xác định thuộc loài Pseudoliparis belyaevi. Cho tới nay, các nhà khoa học không thu thập được mẫu vật để nhận dạng đầy đủ loài này, nhưng họ từng bắt được một số con cá ở tầng cao hơn một chút.

Trước đây, kỷ lục cá sống sâu nhất được xác lập thuộc về loài cá ốc Mariana được các nhà khoa họ phát hiện dưới rãnh Mariana vào năm 2014. Cá ốc sống ở phần sâu nhất của đại dương, được gọi là vùng hadal, nơi có độ sâu từ 6.000 đến 11.000 mét, nơi không có chút ánh sáng nào có thể xuống đến nơi, được gọi là vùng biển tăm tối.

Giáo sư Jamieson suy đoán rằng, do vùng biển Izu-Ogasawara ấm hơn một chút so với rãnh Mariana nên loài cá này có thể sống sót ở độ sâu đó.

Thứ Ba, 04/04/2023 13:47
31 👨 416
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Đại dương học