Kháng sinh là thuốc dùng để điều trị hoặc phòng ngừa nhiễm khuẩn bằng cách ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn - một loại vi sinh vật đơn bào. Các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp gồm có "bệnh tiêu chảy ở khách du lịch - traveler's diarrhea" (thường do khuẩn E. coli - Escherichia Coli - nhóm vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của con người và động vật. Có nhiều loại E. coli nhưng có thể nói phần lớn là vô hại gây ra), nhiễm khuẩn "staph" (thường do khuẩn Staphylococcus aureus gây ra), và "viêm họng liên cầu khuẩn" (do nhóm vi khuẩn Streptococcus gây ra). Trong khi đó, bạn có thể mua kem kháng sinh ở dạng không kê toa thoa ngay tại chỗ bị thương ở hầu hết các hiệu thuốc, loại thuốc kháng sinh uống cần có đơn thuốc của bác sĩ. Nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ về cách uống kháng sinh để điều trị bệnh đúng cách và tránh các tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh.
Phần 1: Lên kế hoạch sử dụng uống thuốc kháng sinh
1. Chỉ uống kháng sinh được kê riêng cho bạn
Bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh và liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe, cân nặng và loại vi sinh vật gây nhiễm khuẩn. Điều này giúp hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ. Vì vậy, không nên uống kháng sinh không được kê riêng dựa vào bệnh lý cụ thể.
- Hãy để bác sĩ đưa ra quyết định về phương án điều trị. Bệnh nhiễm trùng do nhiều loại vi sinh vật gây ra, bao gồm vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng và nấm như nấm men. Kháng sinh được kê đơn để điều trị nhiễm khuẩn không giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng khác.
- Không dùng kháng sinh được kê đơn cho người khác.
2. Cung cấp cho bác sĩ và dược sĩ thông tin về thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng đang sử dụng
Thuốc chữa bệnh dạng kê đơn hay không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược, nguyên liệu tự nhiên, đồ uống chứa cồn hoặc thậm chí cả vitamin tổng hợp đều có thể tương tác với thuốc kháng sinh. Do đó, hiệu quả của thuốc kháng sinh hay các loại thuốc khác có thể bị ảnh hưởng nếu không cho bác sĩ biết rõ bạn đang uống thuốc gì.
- Cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng hoặc gặp vấn đề gì khác thường với thuốc chữa bệnh, bao gồm cả kháng sinh.
- Một số loại thuốc kháng sinh có thể khiến thuốc chữa bệnh được chuyển hóa chậm hoặc nhanh hơn bình thường. Kháng sinh có thể khiến thuốc trong cơ thể được hấp thụ kém hơn. Ngược lại, thuốc chữa bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ kháng sinh. Vì vậy, thông tin về thuốc chữa bệnh bạn đang uống có thể giúp bác sĩ quyết định lựa chọn loại thuốc kháng sinh.
- Một số thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân giải hoặc chuyển hóa đồ uống chứa cồn. Điều này có thể gây ra triệu chứng khó chịu như buồn nôn, nôn mửa và đau đầu. Vì vậy, không nên tiêu thụ đồ uống chứa cồn khi uống kháng sinh.
3. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm thuốc kháng sinh
Hướng dẫn sử dụng thuốc bao gồm những thông tin quan trọng như cơ chế hoạt động của thuốc, tác dụng phụ tiềm ẩn và tương tác giữa kháng sinh với các thuốc khác. Dược sĩ sẽ cung cấp tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm khi kê đơn thuốc. Hãy liên hệ trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có thắc mắc về thông tin trên tờ đơn. Bác sĩ là người luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho bạn.
4. Đọc kỹ nhãn trên chai thuốc
Hãy đọc kỹ thông tin về liều lượng (mỗi lần nên uống bao nhiêu kháng sinh) và tần suất uống kháng sinh (nên uống bao nhiêu lần mỗi ngày).
- Kháng sinh có nhiều dạng: viên nang, viên nén, viên nén nhai được và dạng lỏng. Tuy nhiên, dạng lỏng thường được kê đơn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Liều dùng có thể là 1-2 viên nén/viên nang mỗi lần hoặc có thể không đều đặn. Chẳng hạn như: thuốc kháng sinh Zithromax (kháng sinh azalide ức chế protein vi khuẩn) cần được uống hai liều trong ngày đầu và một liều trong những ngày sau.
- Tần suất uống kháng sinh được hiểu là thời gian 24 tiếng, uống mỗi 12 tiếng được hiểu là 2 lần mỗi ngày hay uống 4 lần/ngày được hiểu là mỗi 6 tiếng.
Phần 2: Uống kháng sinh
1. Cần theo dõi để biết khi nào cần uống liều tiếp theo
Hãy đặt chuông báo hoặc đánh dấu trên lịch. Việc lên lịch uống kháng sinh để dễ theo dõi cùng các hoạt động hàng ngày như đánh răng hoặc đi ngủ.
2. Lên lịch uống kháng sinh gần bữa ăn chính và bữa phụ
Tờ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ sẽ cho biết nên uống kháng sinh sau khi ăn hay uống khi đói. Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ một số loại kháng sinh. Mặt khác, thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa đau bụng do những loại kháng sinh khác. Vì vậy, thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng sẽ lưu ý cho bạn biết cách uống kháng sinh.
3. Cho bác sĩ biết nếu gặp khó khăn trong việc uống kháng sinh
Không được tự ý bỏ uống kháng sinh chỉ vì không thể nuốt viên thuốc lớn hoặc thuốc dạng lỏng có vị khó chịu, kháng sinh là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh dạng khác hoặc kê một loại kháng sinh mới dành cho bạn.
4. Không bỏ liều kháng sinh
Trường hợp quên uống, bạn nên uống ngay khi nhớ ra. Bên cạnh đó, bạn nên chờ nếu liều quên gần với liều tiếp theo. Sau đó, tiếp tục thực hiện lịch uống kháng sinh như bình thường.
- Liên lạc với bác sĩ nếu quên nhiều liều hoặc uống nhiều hơn liều chỉ định trong ngày. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn nên làm gì.
- Bỏ liều khiến bạn không thể duy trì nồng độ kháng sinh trong cơ thể cho việc chữa bệnh, vi sinh vật sẽ không bị ức chế hoặc tiêu diệt đúng cách.
5. Không uống kháng sinh quá liều
Việc uống kháng sinh quá liều sẽ làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ. Hãy liên lạc với bác sĩ để tiếp nhận chăm sóc y tế nếu vô tình uống quá nhiều kháng sinh.
- Không uống nhiều kháng sinh hơn liều được kê đơn trong đơn để bù lại liều quên.
- Trong hầu hết các trường hợp, việc uống kháng sinh quá liều không gây triệu chứng nghiêm trọng nhưng có thể gây đau bụng và tiêu chảy.
6. Uống hết liều kháng sinh được kê đơn
Ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn, việc không uống hết liều kháng sinh cũng có thể gây kháng thuốc hoặc triệu chứng tái phát. Điều này có thể khiến bạn phải uống kháng sinh tiếp để chữa bệnh.
- Việc uống hết liều kháng sinh giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu diệt vi khuẩn. Nếu dừng uống kháng sinh sớm sẽ khiến vi khuẩn không được loại bỏ hoàn toàn. Vi khuẩn sống sót là những vi khuẩn mạnh và khó bị kháng sinh tiêu diệt nhất. Những vi khuẩn này còn có thể thay đổi hoặc biến đổi, khiến kháng sinh trở nên kém hiệu quả khi đối phó với chủng khuẩn mới. Vi khuẩn kháng kháng sinh là vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu sử dụng kháng sinh đúng như được kê đơn sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Phần 3: Đối phó với tác dụng phụ
1. Báo cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ khi uống kháng sinh
Những tác dụng phụ thường gặp gồm có đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và nhiễm trùng âm đạo. Vì vậy hãy đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm để biết tác dụng phụ cụ thể của thuốc kháng sinh. Trao đổi với bác sĩ về mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Hơn nữa, bác sĩ có thể sẽ đổi thuốc kháng sinh cho bạn.
- Đau bụng, tiêu chảy, nhiễm trùng âm đạo và nấm miệng (mảng nấm trắng trên miệng) xuất hiện do kháng sinh tiêu diệt lợi khuẩn hay vi khuẩn bình thường cùng với vi khuẩn có hại. Các tác dụng phụ này cần được điều trị bằng loại kháng sinh khác hoặc thuốc khác. Có thể bác sĩ sẽ đề xuất sử dụng probiotic, ví dụ probiotic trong sữa chua hoặc thực phẩm chức năng để bù lại số lượng "lợi khuẩn".
- Kháng sinh có thể ảnh hưởng đến thận, tai, gan và dây thần kinh ngoại biên (dây thần kinh không nằm trong não hoặc cột sống). Vì vậy, hãy báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng đau bụng, ù tai hoặc ngứa ran.
2. Liên lạc với bác sĩ nếu gặp triệu chứng nhạy cảm với ánh sáng
Nếu kháng sinh khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng, hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng hoặc thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 khi ra ngoài để giảm nguy cơ cháy nắng. Một số loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là thuốc trong nhóm tetracycline, có thể gây phản ứng quang độc tính, tức da không chịu được ánh nắng. Hãy liên lạc với bác sĩ nếu gặp triệu chứng sau khi uống kháng sinh:
- Cháy nắng quá mức
- Ngứa ran trên da
- Da phồng rộp sau khi tiếp xúc với ánh nắng
- Da đổi màu
- Lột da (da bong tróc)
3. Gọi ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào
Hãy cẩn thận với những dấu hiệu như ngứa, phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở. Gọi ngay cấp cứu 115 nếu nghi ngờ gặp phản ứng phản vệ - dạng dị ứng nghiêm trọng nhất – để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Triệu chứng phản ứng phản vệ gồm có:
- Chóng mặt
- Mất nhận thức
- Khó thở
- Sưng lưỡi và đường hô hấp
- Da xanh xao
- Phản ứng phản vệ có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong khi huyết áp tụt và suy tim.
4. Báo ngay cho bác sĩ nếu triệu chứng không cải thiện hoặc trở nặng hơn
Đôi khi, thuốc kháng sinh được kê đơn không phải là loại dùng để chống lại vi sinh vật gây hại trong cơ thể. Nếu triệu chứng bệnh không cải thiện khi dùng kháng sinh, hãy thông báo ngay cho bác sĩ. Dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng được điều trị không đúng cách gồm có sốt, ớn lạnh hoặc khó chịu (mệt mỏi). Vết thương trên người có thể bị đau, sưng đỏ, nóng hoặc chảy mủ.
Phần 4: Sử dụng kháng sinh dạng kem
1. Vệ sinh vết thương nhỏ trước khi thoa kem
Sát trùng thật kỹ vết thương cắt nhỏ, vết trầy xước hoặc bỏng nhẹ trước khi thoa kem kháng sinh và nên thoa kem lên khi da khô, sạch.
- Rửa sạch vết cắt hoặc trầy xước dưới vòi nước đang chảy. Có thể rửa bằng nước và xà phòng nhưng tốt nhất không nên dùng xà phòng để tránh gây kích ứng da. Dùng nhíp nhỏ gắp bỏ mảnh vỡ dính trên da (nếu có).
- Đối với trường hợp bỏng nhẹ, hãy rửa với nước mát trong vòng 10-15 phút. Sau đó, dùng khăn sạch thấm khô nước. Không chà xát mạnh để tránh làm tổn thương da hoặc gây kích thích.
2. Thoa kem kháng sinh hoặc thuốc mỡ không kê đơn lên vết cắt và trầy xước
Kháng sinh dạng kem chưa được chứng minh có tác dụng giúp vết thương nhỏ lành nhanh hơn. Tuy nhiên, kem kháng sinh có thể ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách tạo rào chắn giữa vết thương và môi trường bên ngoài, khiến vi trùng khó xâm nhập vào vết cắt hoặc trầy xước.
- Chỉ cần thoa một lớp kem mỏng. Kem kháng sinh hoặc thuốc mỡ sẽ ngăn không cho băng gạc dính vào vết cắt hoặc vết trầy xước.
- Kem kháng sinh không kê đơn phổ biến gồm có polymyxin B sulfate (Polysporin), bacitracin và thuốc mỡ triple antibiotic (Neosporin).
- Ngưng sử dụng kem kháng sinh nếu bị phát ban.
- Không thoa kem kháng sinh không kê đơn lên vết cắt sâu, vết đâm, vết côn trùng cắn hoặc bỏng nặng.
3. Thoa kem kháng sinh lên vết bỏng nhẹ
Vết bỏng nhẹ cấp độ 1 có thể điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh, giúp dưỡng ẩm cho vết bỏng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Silver sulfadiazine là kem kháng sinh phổ biến được kê đơn trị bỏng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê một loại kháng sinh khác, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
4. Làm theo hướng dẫn sử dụng trên thuốc hoặc hướng dẫn của bác sĩ
Không thoa nhiều kem kháng sinh nhiều hơn chỉ dẫn. Tránh thoa quá 3 lần mỗi ngày.
5. Tránh thoa kem kháng sinh lên vết thương phẫu thuật
Trừ khi được sự hướng dẫn của bác sĩ, nếu không, bạn không nên thoa kem kháng sinh lên vết thương sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, kem kháng sinh có thể cản trở quá trình lành lại của vết thương. Ngoài ra, kem kháng sinh cũng có thể gây viêm da tiếp xúc – tình trạng da đỏ, đau và bị kích ứng.
- Làm theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, thoa kem kháng sinh lên vết thương do phẫu thuật.
Tham khảo thêm một số bài viết:
- 10 lý do khiến smartphone ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn
- Khoa học chứng minh: Giấc ngủ trưa giúp bạn hạnh phúc và thông minh hơn
- 5 cách đơn giản để giảm thiểu tác động của rượu bia
Chúc các bạn vui vẻ!