Nếu như trước đây, hành trang cần thiết của mỗi người khi đi ra ngoài chỉ là ví, điện thoại, chìa khóa… thì giờ đây, sẽ không thể thiếu khẩu trang và nước rửa tay. Thậm chí tại nhiều nơi vui chơi công cộng, trung tâm mua sắm, bạn sẽ không được phép đi vào mà không đeo khẩu trang hay sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn.
Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến khẩu trang trở thành món đồ bắt buộc ở nơi công cộng. Nhiều người có thói quen sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần nhờ sự tiện lợi cũng như khả năng chặn giọt bắn hiệu quả. Tuy nhiên, dường như không mấy ai nghĩ đến tác hại khủng khiếp mà loại khẩu trang này có thể gây ra cho môi trường tự nhiên nếu không được thu gom và xử lý đúng cách.
Hiện nay, có hàng trăm triệu người sử dụng khẩu trang hằng ngày, nhưng không thực sự có nhiều thông tin hướng dẫn về cách vứt bỏ hoặc tái chế chúng một cách an toàn. Và khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, ước tính có hàng tỷ chiếc khẩu trang dùng một lần được tiêu thụ trên toàn cầu mỗi tháng. Chỉ cần một phần nhỏ trong số này bị xả thải bừa bãi cũng có thể dẫn đến những thảm họa môi trường hiện hữu.
Nguy hiểm đối với con người và động vật
Đầu tiên và quan trọng nhất, những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ bừa bãi, không qua bất cứ công đoạn xử lý nào hoàn toàn có nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng. Chúng ta biết rằng trong một số điều kiện nhất định, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt khẩu trang trong 7 ngày liên tục.
Không chỉ con người và động vật, thực vật cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn rác thải độc hại này. Khẩu trang dùng một lần cũng có thể được xếp vào loại rác thải nhựa khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ hệ sinh thái. Một số loài động vật không thể phân biệt được đâu là vật dụng bằng nhựa và đâu là con mồi của chúng, sau đó bị mắc nghẹn hay nuốt phải các mảnh khẩu trang, đấn đến cái chết một cách từ từ, đau đớn.
Rác thải nhựa nói chung sẽ phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn theo thời gian, và càng ở trong môi trường lâu, nó sẽ càng phân hủy nhiều hơn. Đầu tiên, nhựa phân hủy thành vi nhựa và cuối cùng thành nhựa nano nhỏ hơn. Những hạt và sợi nhựa nhỏ này thường là các polyme tồn tại lâu dài có thể tích tụ trong chuỗi thức ăn trong hàng chục năm. Chỉ cần một chiếc khẩu trang nhỏ cũng có thể tạo ra hàng triệu hạt vi nhựa, mỗi hạt vi nhựa này lại có khả năng mang hóa chất và vi khuẩn lên chuỗi thức ăn và thậm chí xâm nhập vào cơ thể con người, động vật.
Biện pháp khắc phục
Khẩu trang chắc chắn vẫn sẽ là món đồ không thể thiếu với mỗi cá nhân trong thời gian này, nhưng thay vì sử dụng khẩu trang dùng một lần, chúng ta có thể xem xét chuyển sang dùng khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt sạch và tái sử dụng nhiều lần. Đồng thời hạn chế sử dụng các loại khẩu trang có bộ lọc bằng nhựa.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn cả không nằm ở việc nên sử dụng loại khẩu trang nào, mà là bạn nên phân loại, xử lý chúng ra sao sau khi dùng:
- Ưu tiên dùng các loại khẩu trang tái sử dụng không có bộ lọc dùng một lần. Giặt sạch sau khi sử dụng.
- Cố gắng mang theo khẩu trang dự phòng để nếu có vấn đề gì xảy ra với chiếc mà bạn đang đeo, bạn không cần phải mua khẩu trang dùng một lần.
- Nếu bạn buộc phải sử dụng khẩu trang dùng một lần, sau khi dùng xong hãy gói kỹ, mang về nhà và vứt vào thùng rác phân loại. Nếu không thể, hãy đặt nó vào một thùng rác công cộng phù hợp. Tuyệt đối không vứt thẳng ra môi trường.
- Đừng bỏ khẩu trang dùng một lần khu vực để rác tái chế. Chúng có thể vướng vào các thiết bị tái chế chuyên dụng và là mối nguy hại sinh học tiềm ẩn đối với những người công nhân xử lý chất thải.
Bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng là việc nên làm, nhưng bảo vệ môi trường tự nhiên cho các thế hệ mai sau cũng là nhiệm vụ chung của mỗi công dân trên hành tinh.