"Bom Sa Hoàng": Quả bom nguyên tử mạnh nhất thế giới có sức tàn phá như thế nào

Một video tuyệt mật vừa được cơ quan nguyên tử của Nga công khai cho toàn thế giới. Video này quay lại toàn bộ quá trình thử nghiệm quả bom nguyên tử lớn nhất mọi thời đại của Liên Xô trong năm 1961. Quả bom được đặt tên Tsar Bomba (Bom Sa Hoàng) này có sức công phá 50 megaton và phát ra ánh sáng có thể nhìn thấy được từ khoảng cách hơn 1.000km.

Tsar Bomba cho thế giới thấy sức mạnh công nghệ và quân sự của Liên Xô trong những năm 1960. Sau đó, một hiệp ước quốc tế đã được ký kết, cấm các quốc gia tiến hành thử nghiệm thêm vũ khí hạt nhân. Mặc dù trên thế giới có hàng chục nghìn vũ khí hạt nhân nhưng không có loại nào có sức công phá khủng khiếp, tàn bạo như Tsar Bomba.

Bạn có thể xem video dưới đây để thấy sức mạnh của Tsar Bomba:

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 7 năm 1961, Thủ tướng Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Krushchev đã ra lệnh phát triển một quả bom nguyên tử có sức công phá 100 megaton. Vì chỉ có vài tuần để tiến hành nên cuối cùng các chuyên gia của Liên Xô chỉ tạo ra được một quả bom có sức công phá 50 megaton, mang tên Tsar Bomba, tên mã RDS-220.

Nhưng sức công phá này là đủ để RDS-220 trở thành quả bom nguyên tử mạnh nhất từng được thử nghiệm, vượt xa quả bom Castle Bravo của Mỹ. Castle Bravo được Mỹ kích nổ ở Thái Bình Dương năm 1954 với sức công phá 15 megaton.

Quá trình phát triển, lên kế hoạch thử nghiệm diễn ra gấp rút nên tới tháng 10 năm 1961 mọi thứ đã hoàn thành. Liên Xô chọn điểm thử nghiệm là đảo Novaya Zemlya, phía bắc Vòng Bắc Cực. Quả bom được vận chuyển tới địa điểm thử nghiệm bằng một đoàn tàu hỏa đặc biệt.

Tsar Bomba - Bom Sa Hoàng
Tsar Bomba - Bom Sa Hoàng

Sau đó, nó được đưa lên máy bay ném bom Tu-95 "Bear" và được thả xuống. Tsar Bomba nặng tới 27 tấn, dài gần 8 mét có gắn dù ở đuôi để tốc độ rơi của nó chậm lại, tạo điều kiện cho chiếc máy bay ném bom rời khỏi vùng nguy hiểm. Thời điểm phát nổ của quả bom được ấn định là khi nó rơi xuống độ cao 4km. Lúc này, các máy bay ném bom đã bay được 45km so với điểm thả bom.

Ánh sáng phát ra từ vụ nổ có thể nhìn thấy được từ khoảng cách 1.000km bất chấp thời tiết xấu. Cột khói bụi bắt đầu mọc lên từ mặt đất, tăng kích thước một cách nhanh chóng. Chỉ sau vài giây, đường kính của cột khói bụi đã đạt 10km. Cùng thời điểm đó, một máy bay bay cách điểm phát nổ 250km nhìn thấy vòm lửa phát ra từ vụ nổ trên bầu trời.

Vòm lừa nảy từ từ tăng kích thước, đường kính tối đa của vòm lửa đạt tới 20km. Vòm lửa tiếp tục xuyên qua nhiều lớp mây và sau 40 giây, nó đạt độ cao 30km. Sau đó, vòm lửa bắt đầu chuyển thành đám mây hình nấm đặc trưng của một vụ nổ bom nguyên tử.

Đám mây hình nấm từ từ tăng kích thước và khi hoàn thiện, nó đạt độ cao 60 tới 65km và đường kính 90km. Sau thời điểm đó, mây hình nấm bắt đầu biến dạng. Thời điểm này, đường kính chân nấm lên tới 70km và đường kính thân nấm là 26 tới 28km. Khi quay trở lại sân bay, đội máy bay ném bom nhìn thấy những đám mây của vụ nổ từ khoảng cách 800km.

Theo tính toán, một người đứng cách trung tâm vụ nổ 100km vẫn có thể bị bỏng cấp độ 3. Khi trở lại khu vực thử nghiệm, quan sát viên của Liên Xô chia sẻ rằng khu vực Tsar Bomba phát nổ bị quét sạch, phẳng lì như một sân trượt băng.

Không có bất cứ thiệt hại nào về người trong cuộc thử nghiệm này. Theo NUKEMAP, nếu Tsar Bomba rơi xuống Washington DC của Mỹ, nó sẽ giết chết 2,2 triệu người và lan truyền phóng xạ nguy hiểm tới tận Pennsylvania cách đó 350km.

Thứ Năm, 27/08/2020 10:10
4,54 👨 5.770
0 Bình luận
Sắp xếp theo