Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã thiết kế một vật liệu nano mới có thể được sử dụng để tạo ra các chất chuyển đổi xúc tác "có hiệu quả rõ rệt hơn" làm giảm ô nhiễm khí thải xe hơi.
Theo đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Wollongong (UOW), Australia, làm việc với các đồng nghiệp ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Tổ chức Công nghệ Hạt nhân Australia (ANSTO) đã tạo ra một vật liệu cải thiện hiệu suất của chất biến đổi xúc tác gấp "ba đến bốn lần".
Chất chuyển đổi xúc tác này có chức năng làm giảm sự ô nhiễm từ khí thải xe bằng cách chuyển đổi khí độc hại và các chất gây ô nhiễm thành các chất gây ô nhiễm ít độc hại hơn.
Trong số các chất gây ô nhiễm, oxit lưu huỳnh và oxit nitơ (NOX) có ảnh hưởng xấu đến quá trình quang hợp của thực vật, gây tổn hại hệ thống miễn dịch con người và tạo ra các loại oxy phản ứng (ROS) trong tế bào của các sinh vật bị ảnh hưởng.
Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu mô tả cách thức tạo ra chất Rhodium xốp trên bề mặt vật liệu nano.
Được biết, Rhodium là một nguyên tố hóa học thường được sử dụng trong các chuyển đổi xúc tác để giảm oxit nitơ trong khí thải. Và nó được thấm trọn vẹn vào các lỗ chân lông trên bề mặt vật liệu nano mới giúp hoạt động hiệu quả hơn.
Tác giả chính của cuộc nghiên cứu, Giáo sư Yusuke Yamauchi thuộc Viện Vật liệu Sáng tạo Úc (AIIM) tại UOW cho biết các vật liệu hạt nano rhodium xốp có thể cải thiện đáng kể ô nhiễm không khí ở các thành phố trên thế giới.