Cấu tạo khẩu trang y tế 2 lớp, 3 lớp, 4 lớp, 5 lớp khác nhau thế nào?

Trong thời điểm có ô nhiễm không khí hay dịch bệnh hô hấp hoành hành thì khẩu trang là vật không thể thiếu mỗi khi ra ngoài. Hiện nay, nhiều người có xu hướng sử dụng khẩu trang y tế để có thể vứt bỏ ngay sau khi sử dụng, không tốn thời gian giặt phơi. Các loại khẩu trang y tế này có từ 2 - 5 lớp, số lượng lớp khác nhau sẽ có công dụng khác nhau. Vậy sự khác biệt đó là như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Lợi ích khi đeo khẩu trang y tế

Khẩu trang y tế là vật không thể thiếu để chống lại ô nhiễm không khí và dịch bệnh hô hấp

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn có đông dân cư không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đường hô hấp mà còn khiến làn da và sức khỏe của bạn bị giảm sút. Bên cạnh đó, những dịch bệnh hô hấp diễn biến phức tạp như dịch COVID-19 khiến nhiều người lo lắng và tìm cách chủ động phòng chống, trong đó, việc đeo khẩu trang là một trong những hành động tuy đơn giản nhưng hiệu quả phòng bệnh lại rất cao.

Khẩu trang y tế có nhiều loại với số lớp đa dạng

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang khác nhau để bạn có thể lựa chọn sử dụng nhưng khẩu trang y tế vẫn là sản phẩm bán chạy nhất bởi sự tiện dụng và an toàn của nó. Khẩu trang y tế gồm nhiều lớp có nhiều công dụng khác nhau như: Chống nước, ngăn cản giọt bắn từ cơ thể phát tán ra ngoài môi trường, kháng khuẩn, lọc bụi mịn… được cho là có nhiều hiệu quả hơn so với khẩu trang vải bình thường. Hơn nữa, khẩu trang y tế thiết kế rất tiện dụng và gọn nhẹ, bạn có thể dễ dàng mang theo bên người, sau khi sử dụng người dùng chỉ cần vứt vào sọt rác, không cần giặt phơi mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên không phải khẩu trang nào cũng có đầy đủ những công dụng như bên trên mà còn tùy thuộc vào cấu tạo của từng loại. Vậy cấu tạo khẩu trang y tế có sự khác nhau như thế nào? Hãy cùng theo dõi tiếp để tìm được câu trả lời nhé.

Cấu tạo khẩu trang y tế

Với thiết kế khác hoàn toàn so với các loại khẩu trang vải thông thường, khẩu trang y tế thường có từ 2 - 5 lớp khác nhau.

Khẩu trang y tế 2 lớp

Khẩu trang y tế 2 lớp rất mỏng, không có nhiều tác dụng

Khẩu trang y tế 2 lớp là loại khẩu trang y tế mỏng nhất, ít lớp nhất cũng như có ít công dụng nhất. Cấu tạo khẩu trang y tế này thường chỉ có 2 lớp là lớp vải không dệt chống thấm nước bên ngoài và một lớp vải không dệt hút ẩm bên trong. Vì vậy, khẩu trang y tế 2 lớp chỉ có tác dụng chống lại các loại bụi hạt lớn như đất, cát chứ không có tác dụng trong việc chống virus, vi khuẩn hay bụi mịn. Loại khẩu trang này thường có thiết kế khá mỏng, một số có thể nhìn xuyên thấu qua lớp vải khẩu trang nên mức giá cũng rẻ nhất trong số các loại khẩu trang y tế.

Khẩu trang y tế 3 lớp

Khẩu trang y tế 3 lớp

Khẩu trang y tế 3 lớp là loại khẩu trang y tế phổ biến và được dùng nhiều nhất hiện nay. Cấu tạo khẩu trang y tế 3 lớp thuộc dạng phòng hộ cơ bản với:

  • Lớp ngoài cùng là vải không dệt chống thấm nước giúp ngăn không cho nước thấm vào bên trong cũng như chặn lại hầu hết bụi bẩn kích thước lớn, lớp này thường là lớp có màu để phân biệt với lớp hút ẩm trong cùng.
  • Tiếp theo đó là một lớp vải lọc kháng khuẩn làm bằng sợi Polymer, có khả năng hạn chế tối đa các loại vi khuẩn có hại và bụi bẩn kích thước nhỏ hơn 10 micromet.
  • Lớp cuối cùng là một lớp vải không dệt có khả năng hút ẩm mạnh, giúp ngăn chặn giọt bắn từ mũi, miệng của người sử dụng khi nói, ho, hắt hơi… phát tán ra xung quanh.

Khẩu trang y tế 3 lớp là loại được sử dụng nhiều trong các bệnh viện, trung tâm y tế cộng đồng, khu cách ly y tế tập trung… bởi có giá thành rẻ lại vừa đủ đáp ứng các biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất.

Khẩu trang y tế 4 lớp

Cấu tạo khẩu trang y tế 4 lớp

Nhằm tăng cường khả năng lọc bụi cho khẩu trang y tế, các nhà sản xuất đã cho ra đời dòng khẩu trang y tế 4 lớp, cụ thể gồm: Lớp vải không dệt chống thấm nước ở ngoài cùng, sau đó là một lớp vải lọc bụi, kháng khuẩn, sau nữa là một lớp than hoạt tính và kết thúc bằng một lớp hút ẩm chống mốc.

Nhìn chung, khẩu trang y tế 4 lớp không có nhiều khác biệt so với khẩu trang y tế 3 lớp, khác biệt lớn nhất nằm ở lớp vải lọc bằng than hoạt tính. Than hoạt tính từ lâu đã được sử dụng trong việc xử lý các tạp chất trong nước, không khí… Vì vậy, nó cũng được ứng dụng trong sản xuất khẩu trang để gia tăng thêm tác dụng lọc bụi mịn và ngăn một số loại hóa chất, khí độc như: CO2, SO2, H2S… thông qua đó giảm thiểu tối đa các tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Khẩu trang than hoạt tính hiện nay thường được chia làm 2 loại chính bao gồm: Loại có tấm ép than hoạt tính được đặt vào giữa 2 lớp vải và loại có lớp vải dệt từ sợi hoạt tính, được may liền với nhau.

Khẩu trang y tế 5 lớp

Khẩu trang y tế 5 lớp

So với các loại khẩu trang y tế có 2, 3 hoặc 4 lớp thì khẩu trang y tế 5 lớp là một bước tiến đem lại nhiều tác dụng ưu việt hơn. Cấu tạo khẩu trang y tế 5 lớp phổ biến nhất hiện nay bao gồm các lớp: Lớp thoáng, lớp than hoạt tính, lớp lọc bụi tĩnh điện (bụi mịn PM2.5), lớp lọc bụi nhỏ, lớp vải không dệt chống thấm nước.

Điểm nổi bật của khẩu trang 5 lớp là ở lớp lọc bụi tĩnh điện có thể loại bỏ bụi mịn PM2.5, loại bụi có kích thước siêu nhỏ, khi đi vào cơ thể và xâm nhập vào tế bào theo đường máu sẽ phá hủy cơ chế tự miễn dịch của cơ thể, gây nhiều bệnh cấp tính và tổn thương vĩnh viễn đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim, não…

>>> Xem thêm: Cận cảnh dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế hoạt động như thế nào?

Những lưu ý khi sử dụng khẩu trang y tế

Khẩu trang y tế phải sử dụng đúng cách nếu không sẽ phản tác dụng

Mặc dù là một sản phẩm không thể thiếu trong thời gian dịch bệnh hô hấp bùng phát nhưng nếu bạn sử dụng khẩu trang y tế không đúng cách, rất có thể sẽ làm phản tác dụng và đẩy nguy cơ nhiễm bệnh cho bản thân và cộng đồng lên cao hơn. Vì vậy, khi sử dụng khẩu trang, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Lựa chọn khẩu trang của những đơn vị sản xuất uy tín, có bao bì nhãn mác đầy đủ, rõ ràng về mặt thông tin, không nên mua các loại khẩu trang trôi nổi không rõ nguồn gốc.
  • Chỉ sử dụng khẩu trang y tế một lần, không tái sử dụng nhiều lần.
  • Đeo khẩu trang y tế đúng cách, che kín mũi miệng để ngăn chặn virus, vi khuẩn xâm nhập qua các khe hở, không kéo khẩu trang xuống dưới cằm khi nói chuyện, ăn uống.
  • Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong, có thể rơi xuống. Mặt màu trắng có tính hút ẩm nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng.
  • Tuyệt đối không dùng tay chạm vào bề mặt khẩu trang y tế khi đang đeo, kể cả việc chỉnh sửa lại vị trí, bởi đây rất có thể là nơi tồn tại của vi khuẩn, virus có hại. Bàn tay của bạn rất có thể sẽ vô tình lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh. Nếu muốn tháo khẩu trang, bạn nên tháo bằng cách cầm vào hai bên quai đeo của khẩu trang rồi kéo ra khỏi tai.
  • Sau khi tháo khẩu trang, bạn nên vứt vào thùng rác theo đúng quy định rồi rửa tay thật sạch bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây.

Tháo khẩu trang đúng cách tránh lây lan vi khuẩn, virus

Có thể thấy, dù cấu tạo có nhiều lớp khác nhau nhưng công dụng chủ yếu của các loại khẩu trang y tế vẫn là kháng bụi, kháng các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể theo đường hô hấp.

Mặc dù chúng đem lại khá nhiều lợi ích cho người sử dụng nhưng trên cơ bản, đây không phải là biện pháp triệt để nhất để ngăn chặn virus trong thời điểm diễn ra dịch bệnh mà chỉ là một trong số những biện pháp phòng ngừa. Vì vậy, người sử dụng không nên chủ quan, phụ thuộc vào khẩu trang y tế mà bỏ qua những biện pháp vệ sinh khác như rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi…

Hơn nữa, trong mùa dịch bệnh, các loại vật tư y tế thường được ưu tiên huy động tối đa cho lực lượng y bác sĩ và nhân viên y tế, vì vậy chúng ta càng không nên sử dụng khẩu trang y tế một cách bừa bãi, gây ra tình trạng khan hiếm vật tư y tế cũng như thải ra ngoài môi trường một lượng lớn rác thải y tế độc hại, gây gánh nặng cho việc tiêu hủy các sản phẩm này.

Khẩu trang vải kháng khuẩn hiện đang sử dụng nhiều, thay thế cho khẩu trang y tế

Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng các loại khẩu trang vải kháng khuẩn có thể tái sử dụng nhiều lần. Các loại khẩu trang vải hiện nay cũng được nghiên cứu và sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết kế với nhiều lớp vải lọc có công dụng tương tự với khẩu trang y tế, vì vậy bạn có thể yên tâm sử dụng.

Những thông tin của chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu tạo khẩu trang y tế đang được bán trên thị trường hiện nay để không gặp phải rắc rối khi mua phải sản phẩm không đúng yêu cầu. Chúc bạn có một sức khỏe thật tốt và luôn có ý thức tự giác bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh để dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi.

Thứ Sáu, 27/03/2020 15:07
54 👨 11.626
0 Bình luận
Sắp xếp theo