Cách đây vài tháng, công ty Capella Space đã phóng vào không gian một vệ tinh có tên gọi Capella 2, có khả năng chụp ảnh radar với độ phân giải kinh ngạc. Thậm chí công nghệ thu thập hình ảnh trên Capella 2 có khả năng “nhìn” xuyên thấu một số công trình đơn giản nhưng không có tác dụng đối với những công trình phức tạp như nhà dân hay nhà cao tầng.
Phần lớn vệ tinh đang bay quanh Trái Đất hiện nay sử dụng cảm biến hình ảnh quang học để quan sát Trái đất nên khó có thể ghi lại hình ảnh với tầm nhìn và ánh sáng tốt trong điều kiện trời nhiều mây.
Trong khi đó, Capella 2 nhờ được trang bị radar khẩu độ tổng hợp, hay còn gọi là SAR nên có khả năng chụp một bức ảnh rõ nét bất kể ngày hay đêm, dù mưa hay nắng.
Công nghệ SAR hoạt động thông qua quá trình định vị bằng tiếng vang, tương tự như cách định hướng của cá heo và dơi. Vệ tinh sẽ chiếu tín hiệu vô tuyến 9,65 GHz xuống mục tiêu, thu thập sóng vô tuyến phản hồi trở lại và giải mã dữ liệu.
Ở tần số này, các đám mây, hơi ẩm hoặc khói sẽ trở nên trong suốt cho phép tín hiệu xuyên qua dễ dàng.
Các vệ tinh khác trên thị trường hiện nay chỉ cung cấp hình ảnh có độ phân giải hiển thị khoảng 5m x 5m/pixel. Trong khi đó, Capella 2 cung cấp hình ảnh có độ phân giải lên đến 50cm x 50cm/pixel.
Ngày 16/12 vừa qua, Capella Space đã ra mắt nền tảng có khả năng cung cấp cho khách hàng hình ảnh từ bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Capella 2 có thể chụp lại hình ảnh của bất kỳ khu vực nào trên thế giới mà khách hàng yêu cầu miễn là độ phân giải không vượt quá những quy định của luật pháp Mỹ.
Đối tượng khách hàng mà công ty nhắm tới có thể là các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ theo dõi quân đội thù địch hoặc hoạt động tại sân bay, những nhà đầu tư đang kiểm tra chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc các nhà khoa học theo dõi nạn phá rừng...
Capella Space dự định sẽ phóng thêm 6 vệ tinh nữa vào năm 2021. Banazadeh cho biết, công nghệ SAR có thể tạo nên hình ảnh 3 chiều với độ biến động theo từng phút nếu tập trung 2 hay nhiều vệ tinh lên cùng một mục tiêu.