Hình ảnh vừa được chụp bằng hệ thống máy ảnh Dark Energy Camera (DECam) độ phân giải 520 megapixel trên Kính viễn vọng Víctor M. Blanco 4-m tại Đài quan sát liên Mỹ Cerro Tololo, đã mang đến cho nhân loại cái nhìn chi tiết nhất về các Đám mây Magellan. Đây đồng thời cũng là thành quả quý giá của một sứ mệnh có tên gọi Survey of the MAgellanic Stellar History (SMASH) - cuộc khảo sát chuyên sâu nhất, với quy mô nhất mà con người từng thực hiện nhằm giải đáp những thắc mắc chưa có lời giải về các Đám mây Magellan nổi tiếng, bao gồm Đám mây Magellan Lớn và Đám mây Magellan Nhỏ.
Đám mây Magellan Lớn (Large Magellanic Cloud - LMC) thực chất là một Thiên hà vệ tinh của dải Ngân Hà, nằm ở khoảng cách xấp xỉ 163.000 năm ánh sáng). Đường kính của LMC rộng khoảng 14.000 năm ánh sáng và khối lượng đạt xấp xỉ 10 tỷ lần Khối lượng Mặt Trời, tương đương một phần trăm so với khối lượng dải Ngân Hà.
Đám Mây Magellan Nhỏ (Small Magellanic Cloud - SMC), hay Nubecula Minor, cũng là một thiên hà lùn nhỏ nằm gần Ngân Hà. Nó được phân loại là một thiên hà vô định hình, với đường kính xấp xỉ 7.000 năm ánh sáng và chứa đựng vài trăm triệu ngôi sao. SMC có khối lượng tổng cộng vào khoảng 7 triệu lần khối lượng Mặt Trời.
Các đám mây Magellan là những thiên hà vệ tinh lớn nhất của Dải Ngân hà, và không giống như những thiên hà vệ tinh còn lại, chúng vẫn đang tích cực hình thành các ngôi sao mới với tốc độ nhanh chóng.
Mặc dù số lượng các thiên hà lùn như Đám mây Magellan cư trú trong Vũ trụ và cực kỳ nhiều, nhưng phần lớn chúng đều ở quá xa, quá mờ nhạt và rất khó để quan sát đối với các nhà thiên văn học. Đám mây Magellan Lớn và Nhỏ nổi nên như những “người hàng xóm hào phóng”, cung cấp cho các nhà thiên văn cơ hội quý giá để nghiên cứu sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà nhỏ.
“Những thiên hà vệ tinh này đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, nhưng kiến thức mà chúng ta có được về chúng vẫn còn tương đối hạn chế. Các sứ mệnh hiện đại như SMASH đang được tích cực triển khai để vạch ra cấu trúc của các Đám mây Magellan trên một phạm vi rộng lớn chưa từng có, từ đó giúp giải đáp bí ẩn về sự hình thành của chúng”, Tiến sĩ David Nidever, giám sát viên chính của sứ mệnh SMASH cho biết.
Cuộc khảo sát SMASH hoàn chỉnh bao gồm một khu vực lớn gấp 2.400 lần Trăng tròn và cần khoảng 50 đêm quan sát chuyên biệt. Tiến sĩ Nidever và các đồng nghiệp hiện đang sử dụng bộ dữ liệu sâu của họ để nghiên cứu lịch sử hình thành sao trên cả hai thiên hà lùn này.
Nhận xét về bức ảnh mới, tiến sĩ Glen Langston đến từ tổ chức National Science Foundation, cho biết:
“Đây là những hình ảnh đa sắc màu đẹp và chi tiết chưa từng có về các thiên hà lân cận gần nhất của Dải Ngân hà. Đồng thời mang đến cho chúng ta một cái nhìn đáng chú ý về lịch sử 13 tỷ năm hình thành sao trong các thiên hà này".
Một trong những mục tiêu dài hạn của các nhà thiên văn học là sử dụng các thông tin thu được về lịch sử hình thành sao để tạo ra một "bộ phim" về quá trình các Đám mây Magellanic phát triển theo thời gian, qua đó hiểu được cách thức và lý do tại sao những thiên hà này phát triển như hiện tại.