Mỳ ăn liền hay mì tôm với các ưu điểm nhanh, gọn nhẹ và rẻ tiền là một món ăn tiện lợi quen thuộc với nhiều người trên khắp thế giới. Nhưng việc sản xuất ra chúng chẳng đơn giản chút nào, thậm chí người trong cuộc cũng phải thốt lên: "Khó như sản xuất mì ăn liền".
- Khám phá quy trình biến nước thải thành bia ở Mỹ
- Đây là những gì xảy ra trong dạ dày khi bạn ăn mì tôm
Hãy cùng tìm hiểu xem quá trình sản xuất mì tôm phức tạp như thế nào nhé!
1. Nguyên liệu
Bột mì là nguyên liệu chính để sản xuất mì ăn liền, ngoài ra để tăng độ vàng cho sợi mì thành phẩm người ta còn sử dụng thêm một phần bột nghệ. Bột đã được kiểm tra chất lượng sẽ được xe tải chở tới nhà máy. Chúng được đổ vào những tháp cao để chuẩn bị chế biến.
2. Trộn bột
Bột, nước và gia vị phù hợp sẽ được đổ vào máy trộn.
3. Cán bột
Sau khi trộn đều, bột sẽ được chuyển qua máy cán thành từng tấm để tạo độ dày và độ dẻo dai cho mì.
4. Cắt sợi
Những tấm bột được máy cắt thành sợi, hình dáng tuỳ theo sản phẩm. Nhưng thông thường chúng là những sợi tròn, nhỏ như chúng ta vẫn hay ăn.
5. Hấp và sấy
Mì được đưa vào buồng hấp để làm chín đều bằng hơi nước bão hòa và sau đó được đem đi sấy khô.
6. "Cân"
Sau đó, mì được cắt theo định lượng đã được quy định và bỏ vào từng khuôn.
7. Chiên mì
Các vắt mì sẽ được chiên trong hệ thống tự động, nhiệt độ của dầu được kiểm soát và duy trì ổn định. Quy trình này khiến mì mất nước, giúp tăng thời hạn bảo quản.
8. Sấy khô
Mì được đưa qua quạt gió để làm nguội và chuẩn bị đóng gói.
9. Đóng gói gia vị
Các loại rau củ đều được rửa sạch, sấy khô, cắt hoặc nghiền bằng dây chuyền tự động. Sau đó được trộn với gia vị theo công thức riêng và sấy khô bằng kỹ thuật sấy đông lạnh nhằm tăng thời gian bảo quản nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị khi gặp nước.
Gia vị chính là thành phần quan trọng làm nên sự khác biệt ở các thương hiệu.
10. Kiểm định chất lượng
Mì thành phẩm phải vượt qua ít nhất 2 cuộc kiểm tra: về dị vật kim loại (metal detector) và khối lượng (Weight check). Hai công đoạn này đều được thực hiện trên máy móc. Bất kỳ sản phẩm nào có sai sót vượt mức cho phép đều bị loại bỏ.
11. Đóng gói sản phẩm
Mì đã vượt qua kiểm định nghiêm ngặt sẽ được đưa lên dây chuyền đóng gói.
12. Đóng thùng
Các gói mì được đóng thành thùng và được chuyển tới các cửa hàng, siêu thị.